Quảng bá thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô
Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba năm 2024 là sự kiện quan trọng thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm ngày thành lập Đảng bộ khối các cơ quan TP Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2024), 70 năm ngày thành lập Sở NN&PTNT Hà Nội (30/11/1954 – 30/11/2024).
Festival được tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm làng nghề. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn TP Hà Nội; đặc biệt thúc đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê và các sản phẩm, sản vật truyền thống; tạo động lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện.
Trong khuôn khổ Festival đã diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động như: tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, chương trình nghệ thuật “70 năm khát vọng dựng xây” trong lễ khai mạc Festival; Trưng bày, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hội nghị hội thảo, hội thi…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, công tác tổ chức, sản phẩm trưng bày, triển lãm tại Festival được bố trí, thiết kế nhiều khu vực tiểu cảnh đẹp và phù hợp cho khách tham quan thưởng lãm, chụp ảnh. Các sản phẩm trưng bày đều đáp ứng được tiêu chí vệ sinh an toàn và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Công tác an ninh, trật tự vệ sinh, y tế, phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng phục vụ Festival được đảm bảo.
Festival có quy mô 15.000 m2 giới thiệu các sản phẩm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố và được sắp xếp theo các khu: khu trưng bày sinh vật cảnh; khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề tiêu biểu, đặc trưng của các quận, huyện, thị xã; khu ngành hàng sản phẩm nông sản và làng nghề; khu trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng tiêu biểu 4-5 sao, trưng bày các sản phẩm làng nghề đạt giải năm 2024; khu trưng bày giới thiệu các điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội; khu thưởng lãm tinh hoa trà Việt;
Khu trình diễn nghệ thuật và giới thiệu ẩm thực Việt; khu trưng bày, giới thiệu, chế tác sản phẩm quà tặng, lưu niệm; Khu nông nghiệp công nghệ cao; máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và làng nghề; khu gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã.
Ngoài ra, còn có các khu bài trí các tiểu cảnh (tiểu cảnh gốm sứ, tiểu cảnh Chùa Một Cột, tiểu cảnh tháp quả, tiểu cảnh nhà vườn, tiểu Hoa Hà Nội, tiểu cảnh làng nghề...) để làm nơi check in chụp ảnh cho khách vào tham quan, mua sắm; khu ẩm thực và trình diễn ẩm thực của các nghệ nhân; khu thao tác và trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề Hà Nội, tại đây du khách cũng có thể trải nghiệm, tham gia thao tác tay nghề cùng với các nghệ nhân để tạo ra các sản phẩm.
Đặc biệt, tại Festival còn trưng bày 50 bức ảnh đẹp và đặc sắc về nông nghiệp, nông thôn Hà Nội; Trưng bày triển lãm 30 tác phẩm và bộ tác phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội đạt giải trong “Hội thi sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024“ do Sở NN & PTNT Hà Nội tổ chức.
Theo đại diện ban tổ chức, tổng số đơn vị tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Festival là 319 đơn vị, trong đó: có 152 đơn vị của 25 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; 125 đơn vị của 25 tỉnh, thành phố bạn và 42 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Số lượng sản phẩm tham gia trưng bày gồm hơn 4.000 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề; vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ chuyển đổi số. Các sản phẩm đều có giấy chứng nhận OCOP 3 đến 5 sao, chứng nhận hữu cơ, VietGAP và có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Riêng khu trưng bày sinh vật cảnh đã trưng bày khoảng hơn 1.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của gần 300 nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong 5 ngày diễn ra Festival đã có hơn 60.000 lượt người tới tham quan, mua sắm.
Tổng doanh thu của các đơn vị, DN tham gia trưng bày đạt 30 tỷ đồng. Riêng hoạt động của sinh vật cảnh có doanh thu trên 25 tỷ đồng.
Thông qua hoạt động trưng bày tại Festival đã có 13 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và kinh doanh đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề.
Nâng tầm thương hiệu các làng nghề truyền thống
Festival cũng tạo dựng không gian văn hóa ẩm thực với quy mô 900m2, tương đương 17 gian hàng ẩm thực của các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội giới thiệu đến khách thăm quan những món ăn truyền thống đặc trưng của Hà Nội như: bánh cuốn Thanh Trì, bánh tẻ Phú Nhi, bún hến Phú Xuyên, Giò chả Ước Lễ, cốm Mễ Trì, chả vịt Vân Đình...
Đây là một trong những sự kiện của Festival nhằm tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử nổi bật của các món ăn; quảng bá những nét độc đáo, tinh hoa văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng miền của người xưa.
Đặc biệt, tại khu ẩm thực sẽ diễn ra trình diễn tay nghề của các nghệ nhân, chế biến các món ăn từ các sản phẩm nông sản của Hà Nội; trình diễn tay nghề của các nghệ nhân đến từ các làng nghề nổi tiếng Thủ đô (gốm sứ bát tràng, lụa tơ tằm, thêu tay, dát vàng, kéo giò hoa tay...)
Đây là một hoạt động đặc sắc có ý nghĩa trong khuôn khổ Festival, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng tầm quảng bá thương hiệu của các làng nghề truyền thống.
Khách tham quan trực tiếp chứng kiến từng công đoạn để tạo ra được các sản phẩm; được trải nghiệm tự tay làm sản phẩm. Sản phẩm trải nghiệm đạt yêu cầu được tặng quà mang về đã thu hút rất đông đảo sự tham gia của du khách.
Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động khác diễn ra trong các buổi tối như: chương trình nghệ thuật “ Hương sắc Thủ đô”, “Sắc màu tuổi trẻ”; chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp với trình diễn áo dài tái hiện các hoạt động gắn liền với đời sống sản xuất, văn hóa tinh thần của các làng quê Hà Nội;
Đến với Festival lần này, khách tham quan được chiêm ngưỡng những tác phẩm sinh vật cảnh độc đáo. Đặc biệt là có dịp tham quan, tìm hiểu đặc trưng văn hoá nông nghiệp Hà Nội thông qua các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các quận, huyện, thị xã và được mua sắm với hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Từ những kết quả đạt được của Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND TP tổ chức định kỳ Festival 2 năm/lần. Festival nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đến người dân Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước và khách nước ngoài để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là dịp vinh danh người sản xuất và các nghệ nhân, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT trên địa bàn TP.
Tại lễ bế mạc Festival, Ban tổ chức đã trao giải cho 16 đơn vị quận, huyện tham gia hội thi Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp và làng nghề địa phương. Trong đó, khu trưng bày huyện Hoài Đức giành giải Đặc biệt.
Sở NN& PTNT Hà Nội tặng giấy khen cho 25 tập thể và 33 cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia Festival.