Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 1/3, Tổng thống Lukashenko cho biết cuộc họp diễn ra vào thời điểm đòi hỏi "những cách tiếp cận phi tiêu chuẩn mới và các quyết định chính trị có trách nhiệm. Những cách tiếp cận này chủ yếu nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu toàn cầu không có phe thắng.
Lãnh đạo Belarus khẳng định đó là lý do nước này đang tích cực đưa ra các đề xuất hòa bình về Ukraine và "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc.
Theo hãng tin AFP, tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, các bên có liên quan nên loại bỏ "tâm lý Chiến tranh Lạnh" và nỗ lực hợp tác để xây dựng "cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững".
Ông Tập lưu ý thêm rằng "các quốc gia có liên quan nên ngừng chính trị hóa và công cụ hóa nền kinh tế thế giới, thay vào đó nhanh chóng tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trước đó cùng ngày, ông Lukashenko đã hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Lý Khắc Cường nói với ông Lukashenko rằng chuyến công du 3 ngày của nhà lãnh đạo Belarus tới Trung Quốc có tiềm năng mở rộng mối quan hệ 2 nước.
Tổng thống Lukashenko đang trong chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc từ 28/2 tới 2/3.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước công bố tài liệu 12 điểm về xung đột Nga - Ukraine, trong đó kêu gọi các bên cần hỗ trợ Moscow và Kiev nối lại đối thoại giải quyết khủng hoảng. Đề xuất lặp lại các lập trường trước đây của Trung Quốc, bao gồm chấm dứt các biện pháp trừng phạt và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.
Nga hoan nghênh đề xuất giải quyết xung đột Ukraine của Trung Quốc, khẳng định Moscow sẵn sàng đạt mục tiêu chiến dịch quân sự bằng biện pháp chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, Điện Kremlin hôm 27/2 nói rằng chưa thấy những điều kiện cần thiết để thực thi đề xuất của Bắc Kinh và tìm giải pháp hòa bình.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc để bàn về kế hoạch hòa bình, song chưa nêu rõ thời gian và địa điểm.
Trong khi đó, EU, NATO cho rằng kế hoạch Trung Quốc nêu ra phản ánh không đầy đủ về cuộc chiến và Bắc Kinh không đủ độ trung lập để dàn xếp xung đột.
Belarus là đồng minh thân cận của Nga và cho phép Moscow sử dụng lãnh thổ làm nơi triển khai lực lượng tham gia chiến dịch tấn công vào Kiev hồi tháng 2/2022, nhưng Minsk không trực tiếp tham chiến hoặc gửi quân hỗ trợ lực lượng Nga. Tổng thống Belarus Lukashenko khẳng định sẽ chỉ tham chiến nếu nước này bị Ukraine tấn công.