Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bệnh” ngại cổ phần hóa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - E ngại là "bệnh" chung của nhiều DN Nhà nước (DNNN) trước thời điểm CPH (CPH).

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, CPH đang làm nhiều DN thay da đổi thịt. Năm 2017, thoái vốn, CPH DNNN được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.

Vươn vai sau cổ phần hóa

Chính thức CPH từ cuối năm 2003, doanh thu của Vinamilk ước đạt 46.200 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 9.310 tỷ đồng tính đến cuối 2016, gấp 15 lần kết quả đạt được của hơn 10 năm trước đó. Đặc biệt, theo thống kê, trong giai đoạn 10 năm từ 2005 - 2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của Vinamilk đạt 22%, lợi nhuận thậm chí còn tăng tốc nhanh hơn, tới 32% mỗi năm. Duy trì một tốc độ tăng trưởng cao như vậy trong khoảng thời gian 1 thập kỷ là điều không hề dễ dàng đối với bất kỳ DN thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nào.

Sản xuất dây cáp điện tại Công ty CP Cơ điện Trần Phú. Ảnh: Hồng Sơn

Có thể thấy, CPH đã thổi một luồng gió mới, làm thay da đổi thịt nhiều DN năng động như Vinamilk. Đặc biệt, khi tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước dưới mức 50%, thì nhà đầu tư mới có thể có tiếng nói trong quản trị, điều hành để phát triển DN đó. Tương tự Vinamik, tại một DN quy mô nhỏ hơn, sự thay đổi cũng thấy rõ sau khi DN này CPH và thoái dần vốn Nhà nước. Năm 2010, Công ty CP Cơ điện Trần Phú thoái vốn lần đầu với tỷ lệ 35% vốn Nhà nước. Thời điểm đó, DN có doanh thu 7.882 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 35 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên ở mức 6 triệu đồng/tháng. Đến nay, sau 5 năm CPH, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Cơ điện Trần Phú còn gần 39%, doanh thu của DN đã tăng lên con số gần 8.000 tỷ đồng. Lợi nhuận DN tăng gần 5 lần, lên mức 159 tỷ đồng, thu nhập của cán bộ, công nhân viên trung bình 14 triệu đồng/người/tháng.

Những con số này đã chứng tỏ được năng lực cạnh tranh, hiệu quả của công tác CPH DNNN. “Cái mà DN thu được trong quá trình thoái vốn là thu hút được thêm nhân lực, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm của các nhà đầu tư lớn, thổi một luồng gió mới vào quản trị DN. Quá trình này cũng giúp người lao động trở thành những cổ đông - chủ nhân của DN, đóng góp thực sự vào quá trình phát triển của DN mà họ làm chủ” - bà Đỗ Thị Thu Trà - Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện Trần Phú cho biết.

Minh bạch để tăng hiệu quả

Hiện, số lượng DNNN CPH đạt mục tiêu khá cao với tỷ lệ 96%. Tuy nhiên, phần vốn Nhà nước bán ra lại rất thấp, chỉ ở mức 8%.

Tỷ lệ vốn Nhà nước được bán ra khi CPH và sau khi thoái vốn còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Vẫn còn tới 40% DNNN không bán hết được cổ phần theo phương án CPH được phê duyệt. Sau khi bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tính bình quân Nhà nước nắm giữ 81% vốn điều lệ tại DN, nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 9,5%; Nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,3%; Người lao động và tổ chức công đoàn nắm giữ 2,2%.

Để công tác CPH DNNN thực chất hơn, năm 2017, Ban chỉ đạo đổi mới DNNN cũng sẽ tập trung giải quyết bất cập trong nâng cao chất lượng CPH và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị DN và giá khởi điểm CPH; quản lý sử dụng đất đai của DNNN, DN CPH chưa chặt chẽ... Cơ quan này đang nghiên cứu quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản Nhà nước tại DN để CPH, thoái vốn Nhà nước; quy định về thuê tư vấn quốc tế cổ phần hóa; thuê tư vấn và thực hiện việc bán cổ phần Nhà nước tại DN trên thị trường quốc tế; quy định về việc xử lý đất đai đối với DN quản lý nhiều đất đai, đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao…