Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viện công tự chủ: Nhiều vướng mắc cần gỡ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thực hiện tự chủ công khai, minh bạch giúp các BV công lập đạt mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân, đồng thời “cởi trói” cho các đơn vị này thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước.

Dù vậy, trong quá trình triển khai, nhiều BV tự chủ vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức do việc áp dụng cơ chế, chính sách chưa phù hợp.
“Cởi trói” cho các bệnh viện công

Qua thực tế triển khai, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã làm thay đổi “diện mạo” của BV Nội tiết Trung ương. Giám đốc BV Nội tiết Trung ương Trần Ngọc Lương cho biết, năm 2015, BV Nội tiết Trung ương ký cam kết với Bộ Y tế về việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đến nay, BV đã nâng cao chất lượng KCB, thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử mà Bộ Y tế đề ra. 100% khoa phòng của BV đã ký cam kết giao tiếp, ứng xử thân thiết với người bệnh, có bộ phận chăm sóc người bệnh và thân nhân người bệnh, thực hiện tốt khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”…
Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo TP Hà Nội trực tiếp kiểm tra, giám sát tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Thảo Trần
Tuy nhiên, theo Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, chế độ dịch vụ y tế hiện hành của Nhà nước vẫn chưa tính đầy đủ các yếu tố chi phí (trực tiếp và gián tiếp…). Hiện giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố; 3 yếu tố khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng, khấu hao trang thiết bị, chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học chưa được cấu thành vào giá viện phí. Nên việc thu chi của BV gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư chung. Trong khi, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị của BV còn thiếu thốn.
Để đáp ứng nhu cầu KCB, BV đã vay ngân hàng một khoản kinh phí lớn để xây dựng khu KCB kỹ thuật cao. Năm 2020, cơ bản số nợ đã được thanh toán, nhưng thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng bệnh nhân giảm, dẫn tới việc BV không có kinh phí để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, thời gian qua, BV khá vất vả để vừa đảm bảo chất lượng KCB, vừa chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên.

Tại Hà Nội, BV Đa khoa Đức Giang thực hiện tự chủ tài chính (tự chủ chi thường xuyên) từ năm 2018 mức độ thấp. Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường khẳng định, việc BV thực hiện tự chủ đã tác động tới lãnh đạo của BV, tới từng nhân viên y tế, thay đổi tư duy từ bao cấp thành tư duy đổi mới, thực hiện tốt công tác KCB, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, BV gặp khó khăn, bởi đây là vấn đề mới BV chưa có kinh nghiệm, khó tránh khỏi “chuếnh choáng” khi đang từ bao cấp chuyển sang tự chủ. Mặt khác, BV chưa có kinh nghiệm, chưa nắm kỹ văn bản, đôi lúc thực hiện chưa thực sự “ngọt”. Ngoài ra, do cơ chế chính sách, văn bản vẫn còn thiếu độ “trễ” so với thực tế, dẫn đến khó khăn cho BV. Đơn cử, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn thu dịch vụ thì thu bao nhiêu?

“Hiện nay, giường thực kê của BV là 840 giường nhưng đến thời điểm này, số giường thực hiện chỉ đủ 600 giường một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong 3 năm từ 2014 - 2016, BV Đa khoa Đức Giang đã được Thành phố đầu tư tổng thể về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên, hiện nay, BV không xã hội hóa được các nguồn lực do vướng từ Nghị định 151 của Chính phủ” - bác sĩ Thường nói.

Cơ chế chưa đồng bộ

Không thuận lợi như BV tuyến cuối, các BV tuyến huyện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tự chủ là cơ chế chưa đồng bộ, khó giữ chân các bác sĩ giỏi, có năng lực…

Giám đốc BV Đa khoa Thạch Thất Vương Trung Kiên cho biết, mỗi ngày BV đa khoa Thạch Thất đón tiếp 300 - 400 lượt bệnh nhân. Hiện nay, giường thực kê của BV là 380 giường. Bắt tay vào thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2018, BV Đa khoa Thạch Thất gặp khó trong việc thu hút, “giữ chân” các bác sĩ giỏi về cơ sở.

Theo bác sĩ Vương Trung Kiên, BV thực hiện tự chủ là chi thường xuyên (tổ chức vẫn phải theo nguyên tắc của Nhà nước) nhưng viện phí chưa tính đúng tính đủ. Hiện nay, giá viện phí bao gồm 5/7 yếu tố, trong khi, thời điểm dịch Covid-19, BV vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, chống dịch… “Vấn đề gặp khó là giao tự chủ cho BV công nhưng cơ chế chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, BV cũng gặp khó trong việc tận dụng nguồn lực xã hội hóa.
Vì trong xã hội hóa là sử dụng tài sản công  có sự góp vốn nhưng vướng mắc ở điểm phải xác định giá trị của tài sản công, trong đó có xác định giá trị thương hiệu mà hiện nay xác định giá trị thương hiệu như thế nào thì rất khó ”- bác sĩ Kiên nói.

Qua đó, bác sĩ Kiên cho rằng để BV công thực hiện tự chủ thuận lợi, thành công, Chính phủ, Bộ Y tế có cơ chế chính sách hợp lý, phối hợp với cơ chế chính sách của những nhà hoạch định chính sách, cơ quan bảo hiểm với khối BV…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ y tế, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức của các đơn vị trong đầu tư trang thiết bị, không còn trông chờ ngân sách để có trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, điều trị, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới.

Mặc dù các hình thức xã hội hóa đa dạng, được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn bỏ ngỏ quy định về hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện, thẩm quyền quyết định, đối tượng sử dụng các dịch vụ này, giá dịch vụ mới mang tính nguyên tắc. Từ đó, dẫn đến còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hoặc phát sinh vi phạm bị các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.
"Thực tế đó đòi hỏi, Nhà nước cần phải có những quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy tính năng động, chủ động của các cơ sở y tế, huy động được các tổ chức, cá nhân, DN tham gia đầu tư phát triển các cơ sở y tế” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2020, có 253 đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên. Bộ Y tế đã tăng cường trao quyền tự chủ cho các đơn vị nhưng có kiểm soát về KCB theo yêu cầu, nhân lực làm việc tại các cơ sở xã hội hóa. Đã có 253 đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, trong đó 37 đơn vị trực thuộc Bộ (tăng 3 đơn vị so với năm 2019). Nhiều đơn vị đã tự chủ được 80 - 90% chi thường xuyên. 4 BV được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ toàn bộ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.


"Để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện tự chủ tài chính, Bộ Y tế sẽ phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu chưa đủ. Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính." - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, Nguyễn Nam Liên