Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bi kịch gia đình chị giết em trai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bi kịch gia đình chị giết em trai Ngồi dự phiên tòa ở hàng ghế trên cùng, cặp vợ chồng già, ông Đinh Văn Cảnh và bà Nguyễn Thị Nga phải liên tục lau nước mắt.

KTĐT - Bi kịch gia đình chị giết em trai Ngồi dự phiên tòa ở hàng ghế trên cùng, cặp vợ chồng già, ông Đinh Văn Cảnh và bà Nguyễn Thị Nga phải liên tục lau nước mắt. Từ bi kịch trong gia đình, dẫn tới sự trớ trêu tại phiên tòa, khi ông bà vừa là đại diện cho bị hại, vừa là đại diện cho bị cáo.

Phiên tòa hy hữu

Chiều 19.4,TAND TP HN mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đinh Thị Minh Phương ( SN 1969, ở Cổ Bi, Gia Lâm, HN) về tội “giết người”. Có lẽ hiếm có phiên tòa nào đặc biệt như vậy, do bị cáo có tiền sử tâm thần nên thời gian xét xử, cũng như diễn biến phiên tòa không giống như thường lệ.

Thay vì những câu hỏi đanh thép, thị uy, HĐXX lại giành cho bị cáo Phương một thái độ mềm dẻo. Nội dung vụ án đã rõ ràng, dường như những câu hỏi có phần “nựng” bị cáo để kiểm chứng xem trong con người kia có bao nhiêu phần tỉnh táo. Trước đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, trước khi phạm tội và tại thời điểm giám định pháp y, bị can Phương có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên vẫn đưa bị can ra truy tố trước pháp luật.

Bị cáo Phương trả lời không biết tại sao mình bị bắt. Tuy cách nói ngập ngừng đúng theo kiểu người tâm thần nhưng nội dung lại khá chính xác. Thỉnh thoảng bị cáo lại lại nói một tràng với nội dung đầy sự hoang tưởng, mà cả người nói cũng không hiểu gì.

Trong phần bào chữa cho bị cáo, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Đinh Thị Minh Phương có đưa ra những tình tiết giảm nhẹ như bệnh tật của bị cáo và xin tòa giảm tội khi lượng hình. Tuy nhiên, khi vị chủ tọa hỏi Phương:  “Bị cáo có đồng ý  với ý kiến của luật sư xin mức án thấp nhất dành cho bị cáo?”, Phương thẫn thờ đáp lại: “Cho đi xử bắn là nhanh nhất”. Trong giờ nghị án, khi bố mẹ già và cô con gái đến bên an ủi, Phương bật khóc rưng rức như một đứa trẻ.

Khi tòa tuyên án, bị cáo vẫn không ngừng kêu khóc, HĐXX đã phải cho bị cáo ngồi, bên cạnh bị cáo còn có một người thân cùng ngồi để vỗ về an ủi. Bị cáo Phương đã bị  HĐXX tuyên phạt 7 năm tù.

Bi kịch gia đình

Dù vụ án đau lòng xảy ra đã gần một năm nay nhưng trong ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở thôn Cam, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội vẫn bao chùm một không khí đau thương. Hai người con ông bà, người bị tử vong, người mang chứng dở điên lại đang trong tại giam.

Dù đã cố quên nhưng cái ngày kinh hãi đó nhưng nỗi đau quặn lòng vẫn luôn ám ảnh những thành viên trong gia đình bà Nga. Cô con gái lớn tên Phương của bà vốn là chị cả, đang sinh sống tại Đức và vẫn hay gửi tiền về phụ giúp gia đình, cho đứa em trai bệnh tật tiền thuốc thang. Phương sang Đức vào năm 2001, để lại hai đứa con cho chồng cũ nuôi. Khi sang bên trời Tây, Phương đã tìm được bến bờ hạnh phúc mới và có thêm một đứa con trai 5 tuổi và đang định đi đến hôn nhân với một người Đức.

Vào năm 2010, Phương về Việt Nam để lo chuyện cho con. Những ngày đầu tiên về nước, Phương không có dấu hiệu gì, nhưng dần dần ở cô tự nhiên xuất hiện những biểu hiện bất thường. Có hôm cô tự trút bỏ quần áo, chạy ra ngoài và la hét. Thấy con gái vậy, bố mẹ Phương lo lắng, đã phải thay nhau thức đêm mà chăm sóc cho con.

Vào ngày 28.6.2010, sau khi lên cơn đi ra ngoài gây chuyện rắc rối, Phương được đưa về nhà nghỉ. Nằm trên giường, gào khóc chán, Phương bất ngờ vùng dậy, chạy xuống bếp vơ chiếc chày gỗ đã cũ, chạy đến chỗ người em trai là Đinh Đức Thiện (SN 1975)  đang ngồi ở bàn nước đập liên tiếp vào đầu. Anh Thiện vốn sức khỏe yếu, đang phải điều trị bệnh nên không thể chạy, chỉ giơ tay lên đỡ. Khi chiếc chày gỗ gãy làm đôi thì anh Thiện cũng gục xuống đất.

Trước ngày phiên tòa đưa ra xét xử, vợ chồng ông Cảnh, bà Nga cùng nghẹn ngào bày tỏ với chúng tôi: “Mong sao pháp luật mở lượng khoan hồng mà xử nhẹ cho con gái chúng tôi. Dù gì thì con trai chúng tôi, tức em trai Phương cũng đã mất. Với cái chứng bệnh dở điên dở tỉnh, không biết những ngày trong tù Phương có chịu được không? Còn vợ chồng tôi ở cái tuổi hơn 80 chẳng biết có đợi được đến ngày con gái mãn hạn tù”.