KTĐT - Dự đoán cho rằng giá trị của đồng đôla sẽ được quyết định bằng dầu mỏ của Jake Dauber đã được chứng minh là đúng.
"Chuyện gì sẽ xảy ra với đồng đôla ư? Tôi ngờ rằng cuối cùng chính dầu mỏ sẽ quyết định giá trị của nó”, Chủ tịch Tập đoàn MAIN của Mỹ - ông Jake Dauber nói sau khi Chính phủ nước này đưa ra quyết định xóa bỏ bản vị vàng năm 1971.
Jake Dauber đã xiết chặt tay vợ mình, nhìn vào mắt bà và nói: “Tổng thống Nixon đã có một nhóm chuyên gia rất thông minh, (ngoại trưởng) Kissinger, Shultz và Cheney. Tôi đã đoán trước được cái ngày tôi và mình sẽ ngồi bên nhau, tựa lưng trên ghế sofa và nói rằng chúng ta là một phần của sự kiện vĩ đại này. Nước Mỹ đang bắt đầu một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới và chúng ta là những người tiên phong”.
Jake đã không thể sống đến ngày mà ông muốn chia sẻ cùng vợ mình - cái ngày đồng đôla lên ngôi. Ông mất không lâu sau cuộc hành trình đó và chiếc ghế Chủ tịch tập đoàn MAIN được thay thế bằng Bruno Zambotti, người được ông bảo hộ. Tuy nhiên, những phân tích của ông về tương lai đồng đôla lại rất chính xác.
Đồng minh đầu tiên của Washington trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tối cao của đồng đôla chính là Israel. Hầu hết mọi người, bao gồm phần lớn người Israel, đều tin rằng quyết định của Tel Aviv trong đòn tấn công phủ đầu chống lại quân đội các nước Ai Cập, Syria và Jordan dọc theo biên giới quốc gia năm 1967 (cuộc chiến này còn được gọi là 'Cuộc chiến tranh 6 ngày') là để bảo vệ biên giới quốc gia.
Mở rộng lãnh thổ quốc gia là kết quả rõ ràng nhất của cuộc chiến: Kết thúc một tuần đẫm máu, vùng đất Israel chiếm giữ được mở rộng gấp 4 lần, bao gồm vùng phía Đông Jerusalem, vùng Bờ Tây, bán đảo Sinai của Ai Cập, và cao nguyên Golan của Syria. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh 6 ngày nổ ra còn vì một mục đích khác. Việc mất đi phần lãnh thổ của mình đã khiến người Ảrập tức giận vì họ thấy mình bị làm bẽ mặt. Sự giận dữ của họ hầu hết đều nhắm vào nước Mỹ.
Ngày 6/10/1973 (ngày lễ Yom Kippur của những người Do Thái), đáp lại cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967, Ai Cập và Syria đồng loạt tấn công Israel. Biết rằng, về mặt chiến lược, mình ở thế yếu nên tổng thống Ai Cập, Anwar Sadat đã gây áp lực với nhà vua Faisal của Saudi Arabia, phải tấn công nước Mỹ (và vì thế tấn công cả Israel) bằng một cách khác, đó là tận dụng “vũ khí dầu lửa”.
Ngày 16/10/1973, Saudi Arabia và bốn quốc gia Ảrập khác ở vùng Vịnh thông báo giá dầu niêm yết tăng lên đến 70%; Iran (không phải là một quốc gia Ảrập nhưng theo đạo Hồi) cũng nằm trong liên minh các nước trên vì sự đoàn kết của các quốc gia theo đạo Hồi. Trong suốt những ngày sau đó, bộ trưởng dầu lửa của các nước Ảrập thống nhất rằng nước Mỹ cần bị trừng phạt vì đã ủng hộ Israel, họ nhất trí ủng hộ việc đưa ra một lệnh cấm về dầu lửa.
Đó là một cuộc chơi thường thấy trên bàn cờ quốc tế. Ngày 19/10, tổng thống Nixon đệ trình Quốc hội chi 2,2 tỷ đôla Mỹ để hỗ trợ Israel. Ngay ngày hôm sau, dưới sự dẫn đầu của Saudi Arabia, các nhà sản xuất dầu Ảrập áp đặt một lệnh cấm vận đối với toàn bộ những tàu chở dầu tới nước Mỹ. Vào thời điểm đó, có rất ít người hiểu được trò gian xảo đằng sau động thái của Washington, hay sự thật rằng hành động đó là để chống đỡ sự suy giảm của đồng đôla.
Động thái này có ảnh hưởng rất lớn. Ngày 1/1/1974, giá dầu của Saudi Arabia đạt kỷ lục mới, tăng gần 7 lần so với giá dầu cách đó 4 năm. Giới truyền thông cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang tiến đến bờ sụp đổ. Những dòng xe hơi dài xếp hàng tại các trạm xăng trên khắp đất nước. Trong khi đó, các nhà kinh tế lại bày tỏ nỗi lo sợ về khả năng đình trệ kinh tế như từng xảy ra năm 1929. Việc bảo vệ những nguồn cung cấp dầu lửa trước đó là ưu tiên hàng đầu, bỗng chốc lại trở thành nỗi ám ảnh của nước Mỹ.
Ngày nay, chúng ta đều biết rằng chính các tập đoàn lớn của Mỹ đã đóng vai trò tích cực trong việc đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục. Mặc dù các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị, trong đó có cả giám đốc của công ty dầu lửa, giả vờ tỏ ra giận dữ, nhưng họ chỉ là những con rối bị giật dây.
Nixon và các cố vấn nhận ra rằng 2,2 tỷ đôla hỗ trợ cả gói cho Israel sẽ buộc các quốc gia Ảrập phải đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn. Bằng việc ủng hộ Israel, chính quyền Mỹ đã sắp đặt một tình huống tạo ra thỏa thuận xảo quyệt và quan trọng nhất cho các sát thủ kinh tế trong thế kỷ XX.
Dự đoán cho rằng giá trị của đồng đôla sẽ được quyết định bằng dầu mỏ của Jake Dauber đã được chứng minh là đúng. Khi Tel Aviv và Washington dồn thế giới Ảrập vào chân tường, người dân Ảrập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chống trả trong cuộc chiến tranh Yom Kippur và thông qua lệnh ngừng xuất khẩu dầu. Chính điều này đã buộc Bộ Tài chính Mỹ phải nhảy vào cuộc. Các sát thủ kinh tế được giao nhiệm vụ thương lượng với Saudi Arabia về việc kết hợp đồng đôla với dầu lửa. Đồng đôla được tôn lên ngôi vua và chiếm vị trí thống trị lớn nhất trong lịch sử.