KTĐT - Động thái của S&P đã gây ra cơn hoảng sợ trên khắp các thị trường hàng hóa, chứng khoán, tiền tệ không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới trong ngày đầu tuần.
Hôm qua, một trong những tổ chức đánh giá uy tín nhất thế giới, Standard & Poor's hạ bậc tín nhiệm triển vọng kinh tế Mỹ từ ổn định sang tiêu cực. và lo ngại về ảnh hưởng của gánh nặng nợ công tới đà phục hồi.
Đây không phải là sự hạ điểm chính thức, nhưng thường là tiền đề để hạ điểm nếu tổ chức đánh giá không nhận thấy có sự tiến triển nào trong tương lai. Quyết định này đã được S&P cảnh báo từ hồi tháng một, vầ trở thành sự thật sau những lùm xùm về nợ công mới đây tại Mỹ.
Trong báo cáo hôm qua, S&P cũng nhấn mạnh khả năng hạ điểm tín nhiệm của Mỹ, hiện ở mức cao nhất là AAA, nếu các nhà làm luật không thống nhất được một giải pháp cho gánh nặng nợ công và thâm hụt ngân sách. Theo S&P, nước Mỹ sẽ mất ít nhất vài năm trước khi có thể đưa thâm hụt ngân sách vào vòng kiểm soát.
Động thái của S&P đã gây ra cơn hoảng sợ trên khắp các thị trường hàng hóa, chứng khoán, tiền tệ không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới trong ngày đầu tuần.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm 1% điểm. Chứng khoán Nga có phiên giảm lớn nhất trong vòng 9 tháng. Chứng khoán châu Âu cũng rơi xuống đáy của 3 tuần, với chỉ số FTSEurofirst 300 mất 1,7% điểm. Tổng cộng, chỉ số chứng khoán tổng hợp toàn cầu FTSE All-World Index hạ 1,5%.
Dầu thô cũng chấm dứt chuỗi tăng giá 3 ngày liên tiếp, giảm gần 3% giá trị do nhà đầu tư cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ xấu đi sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu tại đây tụt giảm.
Sau Trung Quốc và châu Âu, Mỹ có thể sẽ là tâm điểm tiếp theo của thị trường. Giới phân tích rằng những nhận định tiêu cực về nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể làm giảm lượng đầu tư vào Mỹ, từ đó sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế và từ đó ảnh hưởng đến nhiều thị trường khác.