Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Năng suất và công nghệ mang đến thành công cho khởi nghiệp

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh – Nguyễn Thiện Nhân cho rằng kinh tế cạnh tranh, trong đó có khởi nghiệp đòi hỏi nhiều đổi mới sáng tạo. Nhưng căn bản nhất vẫn dựa vào năng suất lao động và đổi mới công nghệ hiện đại…

Tại sự kiện “Gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Một năm nhìn lại" do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh - Saigon Innovation Hub (SIHUB) tổ chức hôm 7/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định: TP Hồ Chí Minh đã bước vào giai đoạn cạnh tranh mới, gay gắt hơn, khốc liệt hơn. Mục tiêu của TP là đồng hành với DN, đặc biệt là các trường hợp khởi nghiệp. Cho nên, nói phải đi đôi với làm, phải cụ thể và thiết thực hơn.
Đại diện SIHUB trao đổi với doanh nghiệp Hàn Quốc.
TP cần chuẩn bị khu công nghiệp dành riêng cho DN mới thành lập. Tiếp theo là những cam kết của TP về thủ tục để đăng ký DN, thành lập DN mới không thua kém các nước phát triển. TP cũng đẩy mạnh thí điểm chương trình hợp tác công – tư, để hỗ trợ các DN. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP chịu sức ép cạnh tranh lớn đến từ các tỉnh, thành khác trong cả nước, trong khu vực và trên thế giới. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường, các DN, cá nhân cần định vị đúng thế mạnh, khả năng cốt lõi nhất thi mới chiếm được ưu thế. DN cần duy trì các chiến lược tăng trưởng và đánh giá kết quả dựa vào tăng năng suất lao động và ứng dụng khoa học công nghệ…
"TP Hồ Chí Minh đã xây dựng công viên phần mềm Quang Trung từ nhiều năm nay. Cho nên, kinh tế TP luôn đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước là nhờ vào việc tăng năng suất lao động và ứng dụng khoa học công nghệ, chứ yếu tố lao động chỉ đóng góp 24%. Lấy kinh nghiệp từ cách làm này, TP tiếp tục xây dựng trung tâm nuôi dưỡng DN với sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài, ngân hàng thế giới", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đây là sự kết hợp của 6 cơ quan khác nhau gồm: Đoàn thanh niên, Sở Khoa học và Công nghệ; Khu công nghệ cao; Công viên phần mềm Quang Trung và các trường đại học. Nhưng thực tế cho thấy việc kết nối giữa các đơn vị này vẫn còn lỏng lẻo. Vì vậy, TP cần có một trang tin chung về khởi nghiệp sáng tạo, có sự tham gia của 6 cơ quan nói trên và cả cộng đồng DN.
SIHUB trực thuộc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh (Sở KHCN TP Hồ Chí Minh). Đây là nơi kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Sau 1 năm triển khai, SIHUB đã đưa chương trình đổi mới sáng tạo STEM đến 486 trường học với 3391 học sinh và 1159 giáo viên tham gia, hỗ trợ 11 trường đại học hình thành chương trình, tổ chức kết nối 2000 start-up với các nhà cố vấn, đầu tư...
Được biết, SIHUB tập trung vào các hoạt động chính như sau: Hỗ trợ không gian tổ chức sự kiện liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp: Startup, Mentor, Investor, Ecosystem Builder…; Hỗ trợ không gian làm việc cho các startup (Co-working Space); Hỗ trợ startup kết nối với mentor, investor, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Ngoài ra, SIHUB còn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho startup trong các quá trình hoàn thiện sản phẩm; Hỗ trợ investor tìm kiếm các startup tìm năng; Hỗ trợ các nhóm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp (Ecosystem Builder) tiếp cận các nguồn tài chính của thành phố để đẩy mạnh hoạt động xây dựng cộng đồng khởi nghiệp; Hỗ trợ đào tạo kỹ năng, kiến thức cho startup để phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, thuyết phục nhà đầu tư; Tổ chức các các hoạt động đào tạo, hội thảo, hội chợ, các buổi gặp gỡ kết nối startup với mentor và investor, các buổi demo day, pitching day. Sau 1 năm hoạt động, SIHUB đã có 250 dự án về kết nối đầu tư dự án, 350 dự án kết nối thị trường, 500 dự án kết nối mentor, 671 dự án huấn luyện và nâng cao năng lực, 14 dự án hỗ trợ tài chính…
Đánh giá về SIHUB, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Lối Đi Việt – Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, đây là hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp có ý nghĩa lớn với cá nhân, tổ chức nói riêng và kinh tế của thành phố nói chung.
Nhưng để thành công thì cá nhân, doanh nghiệp cần thiết nhất là phải định vị tốt nguồn lực và chuỗi giá trị, xây dựng lợi thế cạnh tranh từ những khác biệt. Chương trình SIHUB chỉ tạo tiền đề, là “đòn bẩy” tâm lý cho akhởi nghiệp và kinh doanh.