Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đối thoại với nông dân Thủ đô

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với Nông dân Thủ đô trực tiếp tại trụ sở Thành ủy và qua 424 điểm cầu tại các huyện, thị xã và 406 xã, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí Thường trực Thành ủy tham quan mô hình nông nghiệp tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí Thường trực Thành ủy tham quan mô hình nông nghiệp tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thanh Hải

Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Tham dự hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo TP, sở, ban, ngành TP Hà Nội, lãnh đạo huyện, thị xã và cơ sở, đại biểu đại diện cho các cấp Hội Nông dân, DN, Hợp tác xã, chủ trang trại và hội viên nông dân của 18 huyện, thị xã và 406 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.

Đại diện Ban tổ chức cho biết tính đến trước thời điểm diễn ra hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận được 91 câu hỏi thuộc 6 nhóm vấn đề là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Bí thư Thành ủy. Những đề xuất, kiến nghị thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với TP về những quyết sách đưa Thủ đô trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đặc biệt, tại hội nghị, 15 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Bí thư Thành ủy.

Trên cơ sở đối thoại, Bí thư Thành ủy sẽ chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, điều chỉnh bổ sung kịp thời giúp nông dân và các tổ chức kinh tế tập thể, DN có điều kiện được tiếp cận, hấp thụ hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước và TP.

Theo Ban tổ chức, qua nhiều lần lãnh đạo TP đối thoại với nông dân, những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thành ủy, UBND TP và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết. Qua đó, tạo sự biến chuyển trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn Thủ đô, được nông dân đồng tình.

Cụ thể, đó là nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức sản xuất nông theo chuỗi giá trị; các nguồn vốn, quỹ phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nông dân; quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp...