Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại về kinh tế cao gấp 6 lần dự báo

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới giảm 12%.

Nghiên cứu cho thấy thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra còn tồi tệ hơn gấp 6 lần so với ước tính trước đây.

Adrien Bilal, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard - một trong những tác giả của báo cáo, cho biết: “Nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm hơn do biến đổi khí hậu. Đến cuối thế kỷ này, người dân có thể nghèo hơn 50% so với trước đây khi không có biến đổi khí hậu”.

Cánh đồng hoa hướng dương ở ngoại ô Puy Saint Martin, Đông Nam Pháp khô do nắng nóng kỷ lục. Ảnh: AFP  
Cánh đồng hoa hướng dương ở ngoại ô Puy Saint Martin, Đông Nam Pháp khô do nắng nóng kỷ lục. Ảnh: AFP  

Nhiệt độ toàn cầu đã nóng hơn 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp và nhiều nhà khoa học khí hậu dự đoán mức tăng 3 độ C sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ này do việc đốt nhiên liệu hóa thạch vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, thế giới dự kiến sẽ phải gánh chịu một chi phí kinh tế rất lớn.

Báo cáo nêu rõ nhiệt độ tăng 3 độ C sẽ gây ra “sự sụt giảm nhanh chóng về sản lượng, vốn và mức tiêu thụ vượt quá 50% vào năm 2100”. Các nhà khoa học cho biết thêm, tổn thất kinh tế này nghiêm trọng đến mức “có thể so sánh với thiệt hại kinh tế do chiến tranh gây ra”.

Ông Bilal nhấn mạnh rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu trong 50 năm qua và biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề sẽ khiến tình trạng kiệt quệ kinh tế không kém thời chiến.

“Sự so sánh này có vẻ gây sốc, nhưng xét về GDP thuần túy thì nó có sự tương đồng. Đây là điều rất đáng lo ngại,” ông Bilal nói.

Báo cáo đưa ra ước tính thiệt hại kinh tế cao hơn nhiều so với nghiên cứu trước đây, tính toán chi phí xã hội cho mỗi tấn phát thải carbon là 1.056 USD/tấn. Con số này cao hơn so với con số do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) ước tính là khoảng 190 USD/tấn.

Ông Bilal cho biết thêm nghiên cứu mới có cái nhìn “toàn diện” hơn về chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu bằng cách phân tích nó trên quy mô toàn cầu, thay vì trên cơ sở từng quốc gia. “Cách tiếp cận này nắm bắt được bản chất liên kết giữa tác động của sóng nhiệt, bão, lũ lụt và các tác động xấu khác của khí hậu làm thiệt hại năng suất cây trồng, giảm năng suất lao động và giảm vốn đầu tư,” ông nói.

Gernot Wagner, nhà kinh tế khí hậu tại Đại học Columbia, người không tham gia vào nghiên cứu và cho biết: “Các kết quả này cho chúng ta thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu.”

Báo cáo chỉ ra rằng điều này sẽ thúc đẩy các quốc gia giàu có như Mỹ hành động nhằm giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh vì lợi ích kinh tế của chính họ.

Báo cáo dựa trên nghiên cứu riêng biệt được công bố vào tháng 4/2024 cho thấy thu nhập trung bình sẽ giảm gần 1/5 trong vòng 26 năm tới so với mức thu nhập nếu không có biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ tăng, lượng mưa lớn hơn và thời tiết khắc nghiệt thường xuyên và dữ dội hơn được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại 38 nghìn tỷ USD mỗi năm vào giữa thế kỷ này.