Đan làn nhựa từ dây buộc hàngLàn nhựa trên xe máy, xe đạp và xách tay là hình ảnh đã quen thuộc trên các con đường dẫn đến các khu chợ của phụ nữ phường Xuân La, quận Tây Hồ vào mỗi buổi sáng trong nhiều năm nay. Hồ hởi khoe với chúng tôi những chiếc làn nhựa nhiều màu sắc mới đan, bà Vũ Thị Quý - hội viên Chi hội phụ nữ số 5, phường Xuân La chia sẻ: “Tận dụng những dây nhựa bỏ đi, lại làm được thành sản phẩm có ích, vừa bảo vệ môi trường, nên tôi rất thích”. Không chỉ bà Quý, nhiều hội viên khác cũng bày tỏ niềm vui vì hành động nhỏ của mình đã góp phần bảo vệ môi trường.
|
Chị Đào Thị Thu Hường (Nam Từ Liêm) dạy các con tái chế giấy thừa thành các vật dụng hữu ích. |
Nhận thấy loại bỏ thói quen dùng túi nilon là việc làm cần thiết, năm 2010, bà Nguyễn Thị Túc - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ 5 cùng các hội viên đã sáng tạo mô hình “Đan làn nhựa từ dây buộc hàng”; cùng nhau thu nhặt những đoạn dây buộc hàng tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn để đan làn nhựa đi chợ. Bà Túc cho biết, thời gian đầu chỉ có 2 - 3 chị em tham gia thu gom, đến nay, 100% cán bộ và hội viên cùng tham gia thu gom dây và đan thành sản phẩm tại nhà. Không chỉ đan làn nhựa để phát, tặng cho hội viên, mà chi hội đã bán gây quỹ được hơn 10 triệu đồng, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ về việc đan làn, bà Túc cho hay: Sau khi đi thu gom dây nhựa về, các chị đem ngâm xà phòng, giặt sạch, phơi khô, cắt bỏ những đoạn hỏng, xơ, gãy, rồi tính toán sao cho màu sắc hợp lý để tạo nên một chiếc làn vừa bền, vừa đẹp mắt. Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân La Trần Thị Thúy Ái nhận định: “Mô hình đan làn nhựa từ phế thải bỏ đi đã và đang được Chi hội phụ nữ số 5, phường Xuân La thực hiện hiệu quả, trên tinh thần hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Mô hình này góp phần tích cực trong việc xây dựng, hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường.
Cùng gia đình tái chếLà cán bộ làm việc trong lĩnh vực môi trường, chị Đào Thị Thu Hường (quận Nam Từ Liêm) nhận thấy, rác thải không phải là đồ bỏ đi nếu biết tận dụng và tích cực tái chế, có thể tiết kiệm được một khoản chi phí cho gia đình, nên đã nhiều năm nay, chị cùng chồng và hai con thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo chị Hường, với đồ nhựa như nút chai sẽ được gom lại dùng làm dụng cụ học Toán cho con; chai thủy tinh tận dụng làm lọ đựng đồ; chai lọ đựng mỹ phẩm, nước giặt, nước uống sau khi dùng hết được rửa sạch, cất gọn để sử dụng khi cần. Nếu như đồ tái sử dụng đơn giản, thì với đồ tái chế đòi hỏi công sức nhiều hơn. Vợ chồng chị Hường thường giữ lại sách báo cũ với hình vẽ, màu sắc đẹp mắt để con chơi; giấy một mặt tận dụng cho con vẽ; lõi giấy vệ sinh, chị dạy con kẻ, vẽ để biến thành đồ chơi… Trước khi mua đồ mới, vợ chồng chị xem trong nhà có đồ dùng gì có thể tận dụng được. Như trong nhà cần chiếc giá để đồ, vợ chồng chị nghĩ cách buộc những tấm lưới sắt vào thanh gỗ và thế là chiếc giá ra đời.
Cứ như thế, việc tái chế và tái sử dụng rác thải đã trở thành cách sống tự nhiên đối với từng thành viên trong gia đình chị Hường. “Thay đổi một lối sống không dễ, nhưng nếu mọi người đều ý thức để giúp môi trường sống tốt hơn, thì đều có thể làm được” - chị Hường nói.