Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Biến tướng” huy động vốn, Chứng khoán MB, VNDirect bị yêu cầu giải trình, xử phạt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Với các dịch vụ huy động vốn, tiết kiệm tiền gửi tại Công ty chứng khoán MB, Công ty chứng khoán VNDirect…, Bộ Tài chính đã yêu cầu giải trình và chấm dứt ngay dịch vụ này để tránh rủi ro phát sinh.

Việc “chạy theo” trong xử lý tình huống của Ủy ban Chứng khoán, của Bộ Tài chính liên quan đến viêc này được đánh giá là bị động, chưa thực sự sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường và của các công ty chứng khoán.
“Biến tướng” huy động vốn- rủi ro “kép”
Thị trường chứng khoán sôi động khiến nhu cầu tín dụng cho lĩnh vực này tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu vốn, nhiều công ty chứng khoán đã huy động nguồn nhàn rỗi của nhà đầu tư thông qua “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với lãi suất cao hơn ngân hàng. Giới chuyên gia cho rằng, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp chứng khoán và nhà đầu tư.
  Hình thức huy động vốn lãi suất cao trái quy định này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư
Cụ thể, thời gian qua, báo chí phản ánh tình trạng các công ty chứng khoán “biến tướng” huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước, dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi,…. Nhiều chuyên gia cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thanh kiểm tra và yêu cầu các công ty chứng khoán chấm dứt ngay dịch vụ này để tránh rủi ro phát sinh.
Thông cáo của Bộ Tài chính cho biết, đối với các vấn đề phản ánh về các dịch vụ huy động vốn, tiết kiệm tiền gửi theo phản ánh của một số báo chí, Bộ Tài chính (UBCKNN) đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB, Công ty chứng khoán VNDirect báo cáo, giải trình về nội dung phản ánh của báo chí nói trên và đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB dừng thực hiện dịch vụ.
Đối với Công ty chứng khoán VNDirect, Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của Công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán.
Việc đã rồi, Bộ mới vào cuộc
Trước đó, theo phản ánh, tại Công ty Chứng khoán MB huy động vốn của các nhà đầu tư thông qua dịch vụ được gọi là "hợp tác kinh doanh". Đây là dịch vụ hợp tác kinh doanh thông qua việc khách hàng góp vốn để MBS trực tiếp đầu tư chứng khoán. Thu nhập mà khách hàng được hưởng xác định bằng lợi suất tính trên số vốn góp và thời hạn góp vốn tương ứng với các kỳ hạn khác nhau có thể là 1 tuần, 2 tuần... cho đến 6 tháng, 9 tháng và 1 năm..
Còn tại Chứng khoán VNDirect có sản phẩm DMoney để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Theo giới thiệu trên website của công ty, sản phẩm DMoney với nhiều kỳ hạn khác nhau từ một tuần cho đến một tháng, một quý và một năm với mức lãi suất khá cao.
Nếu thị trường đi lên thì bên đi vay và bên cho vay đều đạt được mục đích, nhưng trường hợp thị trường đi xuống, công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, hoặc có vấn đề gì đó khiến công ty chứng khoán mất vốn; trong đó có cả tiền của nhà đầu tư.
Công ty chứng khoán không có khả năng trả nợ, các nhà đầu tư cho công ty chứng khoán vay sẽ mất tiền. Điều này khác với việc nhà đầu tư gửi tiền ở ngân hàng được bảo hiểm tiền gửi 100%.
Phía Bộ Tài chính cho biết, sẽ rà soát kiểm tra hoạt động biến tướng huy động vốn tại các công ty chứng khoán thời gian tới. Tuy nhiên, các động thái của Bộ này có vẻ đang đi sau thị trường khi việc đã rồi mới bắt đầu xử lý. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang nóng hiện nay, câu chuyện giám sát chặt thị trường và hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết cần được quan tâm chặt chẽ hơn nữa.