Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biệt thự cổ tại Hà Nội dần biến mất: Trách nhiệm thuộc chính quyền cơ sở

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều công trình nhà biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp tại Hà Nội đã bị cải tạo chuyển đổi công năng để phục vụ các mục đích khác nhau..., ảnh hưởng đến giá trị kiến trúc, văn hóa lịch sử. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế được tình trạng này, ngoài việc xây dựng những quy định để bảo tồn, cần gắn chặt trách nhiệm với các cấp chính quyền cơ sở trong công tác quản lý.

Một căn biệt thự Pháp cổ tại phố Tăng Bạt Hổ bị biến thành quán bún bò. Ảnh: Doãn Thành
Khó khăn trong quản lý
Trong thời gian gần đây, tình trạng tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế các căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1954 diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Hà Nội. Đơn cử một căn biệt thự cổ tại phố Tăng Bạt Hổ nay đã được cải tạo thành quán bún gánh; hay căn biệt thự tại phố Hàng Chuối được cải tạo thành nhà hàng, quán bia... và rất nhiều các căn biệt thự khác cũng đã bị biến thành nơi kinh doanh.
Khi UBND TP Hà Nội chủ trương chuyển các đội Thanh tra xây dựng từ Sở Xây dựng về trực thuộc quản lý tại các quận, huyện, thị xã, công tác phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã có tiến triển. Nhưng vẫn xảy ra những vi phạm với chiều hướng phức tạp hơn, vì vậy để xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng nói chung, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các cơ sở để sớm phát hiện, xử lý kịp thời và thực hiện chế tài để răn đe.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng
Trong khi đó theo bà Lê Hải Anh – đại diện Hiệp hội khách sạn phố cổ Hà Nội, rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực phố cổ muốn thuê lại một căn biệt thự cổ để phục vụ mục đích kinh doanh nhưng việc này gần như là không thể; cho dù đó là căn biệt thự đã bị xuống cấp và DN sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để cải tạo nếu như được thuê. “Khách du lịch khi đến với phố cổ Hà Nội, ngoài việc đi thăm thú, trải nghiệm những danh thắng, di tích thì phần lớn đều muốn sử dụng một dịch vụ nào đó tại các căn biệt thự kiến trúc Pháp cổ ví như thưởng thức ẩm thực tại các căn biệt thự này” – bà Lê Hải Anh chia sẻ.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, lập danh mục được 970 nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do TP đang quản lý, tham mưu cho UBND TP báo cáo HĐND TP thông qua Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô, biệt thự cũ của Pháp chủ yếu được xây dựng trước 1954 và ở tại các vị trí đẹp, có diện tích khá lớn trên các tuyến phố chính, thuận lợi giao thông, nhiều biệt thự có giá trị về kiến trúc, có giá trị về mặt kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội; nhà biệt thự cũ chủ yếu là kiến trúc kiểu Pháp, hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, mang đặc trưng riêng, cùng với các công trình có giá trị kiến trúc khác tạo nên diện mạo riêng của Thủ đô.
Quỹ nhà biệt thự chủ yếu thuộc sở hữu Nhà nước được hình thành khi thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà ở, công tư hợp doanh, nhà vắng chủ và chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ... “Nhà biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, kịp thời cập nhật về tình trạng biến động về phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Đa số các biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm, nhiều biệt thự không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng; hiện nay thiếu kinh phí để kiểm định chất lượng công trình và bảo trì, cải tạo” – đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
Gắn trách nhiệm với chính quyền cơ sở
Theo KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, những căn biệt thự kiến trúc Pháp có giá trị thương mại lớn, nên rất nhiều chủ sở hữu là những tổ chức, cá nhân đã tự ý thay đổi thiết kế, cải tạo lại để phục vụ mục đích kinh doanh kiếm lời. “Giai đoạn trước đây, biệt thự cũ chỉ được coi là một dạng nhà ở, không có riêng cơ chế chính sách về bảo tồn, tôn tạo... nên việc chiếm dụng, xây dựng phần đất trống trong khuôn viên đã phá vỡ, biến dạng biệt thự mà không bị xử lý kiên quyết. Nhưng đáng lo ngại là đến thời điểm hiện tại khi UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây trước năm 1954, việc tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế vẫn diễn ra, một phần trách nhiệm từ cấp quản lý cơ sở” – ông Thanh nhìn nhận.
Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho biết, cấp chính quyền quận, phường chưa quan tâm đầy đủ đến công tác quản lý trật tự xây dựng, một số trường hợp cố tình phá dỡ, cải tạo, xây dựng không phép nhà biệt thự nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. “UBND TP đã ban hành quyết định về cơ chế quản lý, sử dụng đối với những căn nhà kiến trúc Pháp cổ để làm căn cứ thực hiện. Nhưng việc thực hiện có hiệu quả hay không thì cần phải gắn trách nhiệm đó với chính quyền cơ sở, trong thời gian qua có thể dễ dàng nhận thấy chính quyền cơ sở đã thiếu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng vi trạm trật tự xây dựng nói chung trên địa bàn, trong đó có vi phạm về việc cải tạo, thiết kế lại một số biệt thự kiến trúc Pháp cổ” – KTS Trần Huy Ánh nói.
Theo nhận định chung của các chuyên gia, ngoài việc thực hiện các chế tài xử lý mạnh tay đối với chính quyền cơ sở và các chủ sở hữu vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đối với nhà biệt thự kiến trúc Pháp cổ, cũng cần phải đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giúp cho các tổ chức, cá nhân có nhận thức đầy đủ đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị của các căn nhà biệt thự cũ, để công tác bảo tồn, quản lý được hiệu quả hơn.
Những vi phạm về quản lý đất đai, phát triển nhà chung cư, trật tự xây dựng đô thị, trong đó có việc cải tạo sai phép tại các công trình biệt thự cổ... có một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Ngoài những chế tài đối với các chủ đầu tư vi phạm, thì cũng cần phải có chế tài nặng hơn đối với lãnh đạo chính quyền cơ sở, thay vì cảnh cáo, khiến trách... thì cần thực hiện hình thức nặng hơn đó là cách chức hoặc cho thôi việc.
Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam