Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Phước: nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi mừng Ngày Giải phóng huyện Bù Đăng

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/10, UBND huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng huyện Bù Đăng (14/12/1974 - 14/12/2024).

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: ND.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: ND.

Theo đó, hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng huyện Bù Đăng với chủ đề “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” sẽ diễn ra trong trong 3 ngày, từ 8 đến 10/11 tại Khu Bảo tồn văn hoá dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo.

Theo Ban tổ chức, trong những ngày lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa sôi nổi mang đậm nét con người Bù Đăng như: lễ hội “Kết bạn cộng đồng” của người S’tiêng; trình diễn hòa tấu 50 bộ đàn đá; lễ chính “Đêm hội Bom Bo”.

Bên cạnh đó, lễ hội còn diễn ra hội nghị “Khởi nghiệp du lịch” - công bố kết nối tour du lịch trong và ngoài tỉnh; triển lãm, văn hóa, văn nghệ; chạy việt dã xung quanh đồi Xuân Hồng với chủ đề “Đường về sóc Bom Bo”…

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, cho biết, "Đêm hội Bom Bo" với sự chuẩn bị chương trình nghệ thuật công phu, hoành tráng và sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng hàng trăm diễn viên, sẽ tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước của đồng bào dân tộc S’tiêng.

Bù Đăng là huyện miền núi nằm phía Đông Bắc của tỉnh Bình Phước, là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh với hơn 1.500km², 16 đơn vị hành chính gồm 15 xã và 1 thị trấn. Trong đó, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dân số của huyện khoảng 150.000 người, gồm 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%. 

Chàng trai và cô gái người S’tiêng huyện Bù Đăng. Ảnh: ND
Chàng trai và cô gái người S’tiêng huyện Bù Đăng. Ảnh: ND

Trong chiến tranh giữ nước, Bù Đăng là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, người Bù Đăng một lòng trung thành với Đảng. Trong thời bình, người dân nơi đây có truyền thống đoàn kết các dân tộc, với nhiều loại hình văn hoá đặc thù, mỗi một dân tộc mang một bản sắc văn hoá khác nhau nhưng cùng chung sống nhân ái, thủy chung.

Lễ hội là dịp quảng bá hình ảnh con người, văn hóa vùng đất Bù Đăng đến với mọi người dân cả nước; đồng thời tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc; tạo không khí vui tươi trong quân và dân; cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền cùng mọi tầng lớp Nhân dân chung tay xây dựng Bù Đăng ngày một giàu đẹp hơn.