Bờ biển Tây ở Kiên Giang sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Bờ biển Tây ở tỉnh Kiên Giang hiện sạt lở nặng và tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân ven biển.

Bờ biển Tây dài hơn 200km, từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) tiếp giáp với tỉnh Cà Mau. Các đoạn Kiên Lương-Hòn Đất, An Biên-An Minh và một số khu vực cửa sông, cửa biển đã và đang sạt lở nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: "Qua khảo sát, đánh giá toàn tuyến bờ biển Tây, tổng chiều dài sạt lở khoảng 40km. Nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ. Sóng biển cường độ mạnh đánh trực tiếp vào chân đê gây sạt lở. Một số đoạn khác trước nguy cơ tiếp tục sạt lở, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão với nhiều sóng to, gió lớn."
 Bờ biển Tây sạt lở đe dọa đến đời sống, sản xuất của người dân. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)
Mặc dù vậy, các dự án đầu tư nâng cấp, phòng chống sạt lở bờ biển, đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chậm triển khai, gần như còn ở điểm xuất phát thấp. Trong khi đó, ngân sách của địa phương hạn chế, không khả năng đầu tư ngăn sạt lở do nguồn vốn quá lớn.
Tỉnh chỉ mới thực hiện thí điểm dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng phòng hộ ven biển, phòng chống sạt lở tại xã Bình Giang (Hòn Đất) bước đầu mang lại hiệu quả; đầu tư gần 1 tỷ đồng khắc phục sạt lở đoạn bờ biển từ vàm Tiểu Dừa đến vàm Kim Quy thuộc địa bàn huyện An Minh.
Trước tình trạng này, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương có khu vực bờ biển bị sạt lở tập trung gia cố, nâng cấp những đoạn đê biển sạt lở, không để vỡ đê, nước biển tràn vào gây thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng đời sống nhân dân đồng thời, nhân rộng mô hình gây bồi, tạo bãi, trồng rừng phòng hộ ven biển ở những nơi có đủ điều kiện, đảm bảo cây rừng sống và phát triển tốt. Việc rà soát, di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm được thực hiện khẩn trương, nhất là vùng cửa sông, cửa biển có nguy cơ sạt lở cao.
Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm triển khai một số dự án, công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu như: đầu tư củng cố, nâng cấp đê biển Tây và trồng rừng phòng hộ ven biển; đầu tư hệ thống 16 cống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt trên đê biển đoạn An Biên-An Minh...
Tại xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), tình trạng sạt lở đã và đang diễn ra khá nghiêm trọng.
Bà Trịnh Thị Bích Tuyền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hải cho hay, nhiều khu vực trên đảo này trong tình trạng sạt lở nguy hiểm. Cụ thể, đoạn từ trụ sở Ủy ban Nhân dân xã đến trung tâm văn hóa xã dài hơn 70m sạt lở sâu vào bờ khoảng 5m, với nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều hộ dân tự đầu tư xây kè bảo vệ nhà ở nhưng kè không bền, chỉ trụ được một thời gian ngắn.
Xã Sơn Hải vận động người dân đang sinh sống ở những khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn, cảnh giác cao độ với tình huống xấu có thể xảy ra. Xã kiến nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục khu vực sạt lở nghiêm trọng và di dời các hộ dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần