Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Giao thông làm gì để đạt mục tiêu giải ngân năm 2023?

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công trong năm 2023 đạt tối thiểu 95%, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu trên.

Tăng tiến độ các dự án trọng điểm là một trong những giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công của Bộ GTVT.
Tăng tiến độ các dự án trọng điểm là một trong những giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công của Bộ GTVT.

Xây dựng bộ giải pháp cụ thể

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kết quả giải ngân đầu tư công của Bộ GTVT đạt khoảng 37%, cao hơn mức trung bình của cả nước nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu giải ngân theo kế hoạch đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt tối thiểu 95% trong năm 2023, 6 tháng cuối năm là thời điểm các cơ quan, đơn vị của ngành cần đẩy mạnh tính tiên phong, gương mẫu để hoàn thành nhiệm vụ.

Đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, nhiều giải pháp đã được đưa ra để đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Một trong những giải pháp là gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/Ban QLDA phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về tiến độ giải ngân; kịp thời điều hòa, điều từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân nhanh.

Đối với các nhà thầu, Bộ GTVT giám sát chặt chẽ năng lực, bất cứ nhà thầu nào hông đáp ứng đủ năng lực, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân sẽ được chấn chỉnh, nặng hơn là thay thế.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GTVT cũng được phân công thường xuyên kiểm tra tiến độ giải ngân. Trong đó, đối với các dự án đang thi công có khối lượng lớn, tổ chức thi công 3 ca tại hiện trường. Công tác nghiệm thu, thanh toán được đẩy nhanh; kịp thời điều hòa từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân nhanh.

Nút thắt mặt bằng và vật liệu vẫn đang ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.
Nút thắt mặt bằng và vật liệu vẫn đang ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm

Năm 2023 Bộ GTVT được Thủ tướng giao 95.222 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đây là số vốn được giao lớn nhất từ trước tới nay của Bộ GTVT (gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021).

Tính đến hết tháng 6/2023, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 35.600 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá, tỷ lệ cao hơn 7%). Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT luôn được duy trì ở mức cao hơn trung bình cả nước.

 

Cách đây khoảng 5 năm (2018), kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT chỉ hơn 27.000 tỷ đồng, năm 2019 là hơn 30.000 tỷ đồng, năm 2020 hơn 36.000 tỷ đồng, năm 2021 xấp xỉ 43.000 tỷ đồng, năm 2022 hơn 55.000 tỷ đồng thì năm 2023, kế hoạch tăng vọt lên hơn 94.000 tỷ đồng (cao gấp 2,2 lần năm 2021 và gấp 1,7 lần năm 2022)Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ GTVT

Đây là kết quả giải ngân không hề tệ của Bộ GTVT nếu đem so sánh với nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, với hơn 95.000 tỷ đồng cần phải giải ngân trong năm 2023, nhiệm vụ còn lại của Bộ GTVT trong 6 tháng cuối năm là không hề đơn giản.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung vào các công trình trọng điểm, tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên vùng để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn về giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và logistics.

Cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng HKQT Long Thành, mở rộng Cảng HKQT Nội Bài, xây dựng nhà ga T3, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất… là những công trình trọng điểm đã và đang được Bộ GTVT đẩy mạnh triển khai. Tiến độ những dự án trên sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, 6 tháng cuối năm 2023, Bộ GTVT sẽ tập trung tối đa công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy mạnh hơn nữa việc đi hiện trường và làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu từ đó mới hi vọng hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm nay.

Từng lãnh đạo cao nhất của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải bám sát công trường, ưu tiên số 1 hiện nay là tập trung tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu cho các đơn vị thi công. Đồng tời quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công khoa học, hợp lý, thi công “3 ca, 4 kíp” ngay từ những ngày đầu, tập trung thi công các hạng mục có giá trị sản lượng cao, không ảnh hưởng bởi nguồn nguyên vật liệu, để phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2023” – ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

 

Đại diện Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết, hiện có 2 nút thắt lớn ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công, giải ngân các dự án hạ tầng giao thông là mặt bằng và vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án theo nhiệm vụ được Bộ GTVT giao. Việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT đôi lúc chưa triệt để, đã có động thái xử lý nhà thầu chậm tiến độ nhưng chưa kịp thời, công tác nghiệm thu, thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành còn chậm, ảnh hưởng đến nguồn tài chính cho công trường.