Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ hình thức quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu: Thận trọng, có lộ trình cụ thể

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh việc xây dựng Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị cần đánh giá tác động một cách thận trọng, có lộ trình cụ thể.

 Phần lớn công dân thực hiện các TTHC đều cần đến sổ hộ khẩu (Ảnh chụp tại Sở Tư pháp Hà Nội). Ảnh: Thái San
Tác động đến gần 200 văn bản
Luật Cư trú ban hành năm 2006 quy định nghiêm cấm lạm dụng quy định về sổ hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, có rất nhiều thủ tục “ăn theo” hộ khẩu, gây khó khăn, trở ngại cho cuộc sống của người dân. Để giải quyết tình trạng trên, Dự án Luật Cư trú bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân trong đăng ký cư trú cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về cư trú và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật.
Dự án Luật Cư trú cần tập trung vào 2 chính sách lớn là quản lý thông qua cá nhân, mã số định danh cá nhân thay cho quản lý theo hộ gia đình, sổ hộ khẩu và chính sách thực hiện cải cách TTHC. Để đảm bảo tính khả thi, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ hệ thống pháp luật liên quan, quan tâm tới đánh giá tác động xã hội, tác động pháp luật và cần thực hiện theo lộ trình nhất định.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng
Mặc dù ủng hộ việc đổi mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong Dự án Luật sửa đổi, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn băn khoăn về tính khả thi vì Dự án tác động đến gần 200 văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, để hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dự kiến tốn chi phí hơn 3.000 tỷ đồng. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá tác động chính sách một cách rõ ràng, toàn diện đến người dân và xã hội.

Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân

Xung quanh phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhận định, cách thức quản lý dân cư ở nước ta cần tiếp cận mô hình quản lý công dân theo hướng tích hợp, đơn giản mà các nước tiên tiến đang áp dụng. Phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật phải đánh giá được tác động khi bãi bỏ hình thức quản lý theo hộ gia đình; đồng thời, phải tính tới vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải cân nhắc tới tính khả thi vì mọi chính sách của Dự án Luật đều bắt nguồn từ cơ sở dữ liệu. Chỉ khi nào hoàn thiện được cơ sở dữ liệu mới bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu, bỏ các thủ tục nên cần lộ trình cụ thể. Ngoài ra, phải tính toán tới vấn đề ngân sách, vấn đề bảo mật thông tin khi chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư tới các tổ chức đã được xã hội hóa.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty Luật Hồng Quang cho hay, trên thế giới hiện chỉ còn vài nước quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, gồm Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. “Đối với Việt Nam, việc thay thế sổ hộ khẩu bằng công cụ khác cần phải được nghiên cứu một cách toàn diện, thấu đáo trên cơ sở đánh giá những ưu, nhược điểm và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua việc đánh giá, nếu thấy việc thay đổi là cần thiết thì cần phải có lộ trình phù hợp để tránh gây xáo trộn trong công tác quản lý Nhà nước” – luật sư Quang khẳng định.