Công tác cán bộ vốn được biết là một quy trình rất chặt chẽ nhưng hóa ra vẫn còn những kẽ hở cho “những con voi chui lọt lỗ kim”.
Khó tin vì… quá tin
Nếu những trường hợp đó vượt khó, nỗ lực đi lên thì sẽ thật đáng khâm phục. Tuy nhiên, với tốc độ thăng tiến đến chóng mặt, dù trình độ chuyên môn chỉ ở mức bình bình lại là chuyện khác. Như trường hợp ông Nguyễn Anh Tuấn, từ một lái xe trở thành Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam . Điều đáng nói, trước đó, ông Tuấn đã bị dừng bổ nhiệm ở đơn vị cũ vì có phản ánh của tập thể, tuy nhiên lại “lách” được sang chỗ mới để được bổ nhiệm, gánh vác trọng trách lớn khi đánh giá các đồ án về quy hoạch. “Một người lái xe mà được bổ nhiệm một vị trí rất quan trọng – Chủ tịch một hội đồng khoa học quan trọng, trong đó toàn giáo sư, phó giáo sư. Đây là biểu hiện của điều gì? Có vụ lợi không, có chủ nghĩa cá nhân hay không?” - PGS.TS Phạm Ngọc Anh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu. Câu hỏi này rất cần được các cơ quan chức năng sớm có trả lời thỏa đáng.
Bộ Công Thương đã thu hồi quyết định của ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải vào một số chức vụ sai quy định. Ảnh: Hồng Quân |
Trở lại tâm điểm của Thanh Hóa gần đây, sau một thời gian chờ đợi, cuối cùng dư luận cũng được thỏa mãn phần nào khi tỉnh công bố những sai phạm trong việc bổ nhiệm “thần tốc” cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh làm Trưởng phòng ở Sở Xây dựng. Trách nhiệm của ai cũng đã rõ, nhưng mới chỉ được… phần nào. Một vị lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa khá cầu thị khi đứng ra nhận trách nhiệm khi làm quy trình công tác cán bộ và cho rằng “quá tin” lãnh đạo Sở. Sự dễ dãi đến khó tin này lại xảy ra ở lĩnh vực đòi hỏi rất cao về quy trình chặt chẽ. Nếu không có dư luận, không có báo chí vào cuộc, sẽ thật dễ hiểu khi chỉ thời gian không xa nữa, bà Quỳnh Anh trở thành Phó Giám đốc Sở theo đúng quy hoạch, và còn được tiếng là quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ, năng lực cao.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, để một cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, vượt qua các rào cản về mặt Đảng, chính quyền trong công tác cán bộ, rồi được bổ nhiệm bất thường, thậm chí quy hoạch Phó Giám đốc Sở một cách dễ dàng như vậy, thì đó là việc làm quá tày trời.
Chờ rõ “tảng băng chìm”
Tuy nhiên, kết luận của tỉnh Thanh Hóa được đưa ra mới đây dù khá thẳng thắn, nhưng vẫn khiến nhiều người thấy “hụt hẫng” vì thiếu hẳn một nội dung quan trọng. Đó là việc xác minh tài sản đối với bà Quỳnh Anh, cơ quan chức năng chưa phát hiện được bà Quỳnh Anh có hành vi tham nhũng. Đến thời điểm thanh tra, do không còn là cán bộ, công chức, vì vậy chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà Quỳnh Anh. Kết luận chỉ rõ, trong quá trình khai lý lịch đảng viên, khai phiếu đảng viên và khai phiếu bổ sung đảng viên hàng năm, bà Quỳnh Anh ngoài việc vi phạm về kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực, còn vi phạm quy định không “khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình”. Sau khi có dư luận, tháng 9/2016, bà Quỳnh Anh có đơn gửi Giám đốc Sở Xây dựng xin thôi việc tự nguyện. 3 ngày sau đó, đơn của bà Quỳnh Anh được Giám đốc Sở giải quyết. Cùng ngày, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng đã bàn giao cho bà Quỳnh Anh toàn bộ hồ sơ công chức (hồ sơ gốc) khi bà này đến nhận quyết định cho thôi việc. Điều này cũng đồng nghĩa toàn bộ hồ sơ công chức của bà Quỳnh Anh đã không còn được lưu giữ tại Sở Xây dựng và sẽ khiến cho các cơ quan chức năng của tỉnh “thiếu căn cứ” để xác minh. Như vậy, chắc cũng phải “còn lâu”, dư luận mới biết được khối tài sản khổng lồ của một nữ trưởng phòng xuất thân từ gia đình bình dân, thu nhập một năm vài chục triệu đồng từ đâu ra mà có.
Về việc này, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho rằng, dù bà Quỳnh Anh đã nghỉ việc, cơ quan có thẩm quyền cũng nên kiểm tra tài sản để xác định tính trung thực của nguyên cán bộ Sở Xây dựng. Đây không còn là chuyện nội bộ trong tỉnh Thanh Hóa mà cần các cơ quan T.Ư cùng vào cuộc để đảm bảo sự khách quan cũng như sức nặng. Nghỉ việc không có nghĩa đã hết trách nhiệm. Như trường hợp của Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, dù nghỉ hưu, nhưng không minh bạch tài sản cũng đã bị cơ quan chức năng làm rõ và xử lý kỷ luật. Phải làm như vậy, công tác cán bộ mới loại trừ được tiêu cực, tham nhũng.
Xử lý không nghiêm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ có ý kiến Đối với việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh làm Trưởng phòng của Sở Xây dựng, báo chí đã có tiếng nói tạo áp lực bắt buộc cấp ủy, chính quyền phải làm rõ. Tất cả vấn đề sẽ được đặt lên bàn, không giấu giếm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm rõ dấu hiệu vi phạm theo kết luận thanh tra, đơn cử như trách nhiệm cá nhân, tập thể đến đâu trong việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh làm Phó phòng rồi Trưởng phòng, trong khi nữ cán bộ này không đủ tiêu chuẩn về thâm niên công tác và trình độ lý luận chính trị. Trách nhiệm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó. Như vậy tình hình mới yên. Chúng ta phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc và yêu cầu kiểm điểm, nếu kiểm điểm không nghiêm túc, không rõ trách nhiệm thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải có ý kiến. Trường hợp vụ việc không được giải quyết nghiêm túc theo quy định pháp luật, quy định của Đảng thì Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa sẽ có kiến nghị. Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội Thanh Hóa Mai Sỹ Diến Không phải công chức vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Bà Trần Vũ Quỳnh Anh không còn là công chức thì không thuộc đối tượng kê khai tài sản theo Luật Phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, với tư cách một công dân thì vấn đề minh bạch tài sản chịu sự điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật khác nhau. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, công dân vẫn phải có trách nhiệm và các cơ quan chức năng sẽ xem xét theo quy định. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh Làm nghiêm túc, dân mới tin Gần đây, dư luận đề cập rất nhiều đến công tác cán bộ, trong đó có chất lượng bổ nhiệm, nhưng không hiểu sao vẫn xuất hiện các trường hợp thiếu tiêu chuẩn, dù tuổi trẻ nhưng trình độ bình thường vào các vị trí quan trọng. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, những “quan lộ chóng mặt” này mới bị “hãm” lại. Từ trước đến nay, với sai phạm dạng này, người được bổ nhiệm thường bị xử lý, còn người ra quyết định gần như vô can, hoặc chỉ nghiêm túc phê bình, kỷ luật khiển trách vì “sự đã rồi”. Trong khi Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI), rồi T.Ư 4 (Khóa XII) năm nào cũng được làm. Tôi đề nghị với những trường hợp bổ nhiệm bừa bãi, đã rõ địa chỉ sai phạm rồi, cần làm nghiêm khắc, dù đó là ai thì dân mới tin. Ông Nguyễn Ngọc Giang Quận Cầu Giấy, Hà Nội |