Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Nông nghiệp khuyến cáo gì khi tái đàn lợn sau dịch tả Châu Phi?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, tổng đàn lợn hiện nay của cả nước là 24,9 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con.

Sau khi dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng được kiểm soát tốt, các cơ sở chăn nuôi đã tái đàn từ tháng 7/2019 và duy trì thường xuyên hoạt động tái đàn. Dự kiến quý I/2020, tổng đàn lợn cả nước được duy trì ở mức 24 - 25 triệu con.
Năm 2020, Bộ NN&PTNT dự kiến tổng đàn sẽ đạt 25,57 triệu con, trong đó, đàn lợn nái có 2,64 triệu con. Tổng sản lượng thịt lợn xuất chuồng có thể đạt 3,66 triệu tấn, cao hơn 360.000 tấn so với năm 2019 – khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi.
 Các hộ chăn nuôi được khuyến cáo chỉ tái đàn khi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhiều tỉnh, TP đã chủ động tăng đàn, tái đàn rất tốt như: Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Định, Đồng Nai… Tuy nhiên, nhiều địa phương còn e ngại và thận trọng với công tác tái đàn nên chủ trương và các biện pháp kỹ thuật mà Bộ khuyến cáo chưa được triển khai triệt để; có nhiều địa phương đến thời điểm hiện nay vẫn chưa ký thông qua kế hoạch tái đàn, một số địa phương đã hết dịch chưa công bố hết dịch để thực hiện việc tái đàn.
Đối với công tác tái đàn trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT khuyến cáo: Chăn nuôi lợn gắn với an toàn sinh học ở mức độ cao vẫn sẽ là giải pháp hữu hiệu. Hình thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp với thế  mạnh của nó sẽ từng bước thay thế và vượt trội đối với hình thức chăn nuôi nông hộ về cả đầu con, sản lượng do những thế mạnh của hình thức chăn nuôi.
Chính vì vậy, muốn tiếp tục chăn nuôi lợn, các cơ sở chăn nuôi cần đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với sử dụng các chế phẩm sinh học để bổ sung. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, Bộ NN&PTNT khuyến nghị cần phải chuyển đổi sang nuôi vật nuôi khác, hoặc chuyển đổi nghề khác để bảo đảm sinh kế bền vững hơn cho người dân.