Bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine Covid-19, Mỹ lại lo công nghệ rơi vào tay Trung Quốc

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chức Mỹ một mặt phải bảo vệ những thông tin kiến thức tối trọng, trong khi vẫn phải đảm bảo các nước có quyền truy cập công nghệ vaccine.

Chính quyền Biden đang xem xét các phương thức để đảm bảo rằng việc từ bỏ bằng sáng chế vaccine Covid-19 để hỗ trợ các nước nghèo, sẽ không “tiếp tay” khiến thất thoát giao công nghệ dược phẩm sinh học này cho Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Joe Biden hôm 11/5 tuyên bố ủng hộ Mỹ tham gia các cuộc đàm phán với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine, nhằm thúc đẩy nguồn cung thông qua chuyển giao công nghệ sản xuất cho các quốc gia nghèo.
Cho đến nay, việc phân phối vaccine đã ảnh hưởng lớn đến bức tranh Covid-19 toàn cầu. Do phổ cập vaccine, tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở các quốc gia giàu có đã giảm, trong khi số ca nhiễm mới vẫn gia tăng ở 36 quốc gia, với tâm điểm toàn cầu hiện nay là Ấn Độ với gần 400.000 ca mỗi ngày.
 Một người dân tại Pakistan tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters.
Trước quyết định của Mỹ, các doanh nghiệp dược phẩm nước này, nhiều trong số này nhận hỗ trợ của chính phủ để phát triển vaccine, đã phản đối mạnh mẽ. Họ cho rằng các nước nghèo sẽ chậm thiết lập năng lực sản xuất và cạnh tranh nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất.
Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer Inc khẳng định, quyết định này sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh giành các nguyên liệu đầu vào quan trọng, ảnh hưởng đến việc công ty này sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả. “Các đơn vị có ít hoặc không có kinh nghiệm trong sản xuất vacicne có khả năng chạy theo những nguyên liệu thô mà chúng tôi cần để mở rộng quy mô sản xuất, đe dọa an toàn và an ninh của tất cả chúng ta”, CEO này cho biết.
Mặt khác, nhiều DN và hiện nay là một số quan chức Mỹ lo ngại động thái này sẽ cho phép Trung Quốc đi trước nhiều năm nghiên cứu và làm xói mòn lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực dược sinh học.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói rằng trong khi ưu tiên là cứu mạng sống của người dân trên thế giới, Washington cũng "muốn xem xét tác động của quyết định này với Trung Quốc và Nga trước khi có hiệu lực để đảm bảo rằng phù hợp với mục đích."
Một tài liệu hỏi đáp do chính quyền soạn thảo và được chia sẻ với các đại diện trong ngành cũng thừa nhận những lo ngại rằng việc chia sẻ tài sản trí tuệ có thể làm tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, Reuters dẫn nguồn thân cận cho biết.
Người phát ngôn của tập đoàn Novavax nói với Reuters khẳng định, các đề xuất "giảm biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ không đảm bảo quyền sử dụng vaccine công bằng”.
Một số nhà phân tích cho biết, một khi đã chuyển giao công nghệ, việc giới hạn phương pháp sử dụng là rất khó. Chất Messenger RNA, được sử dụng trong vaccine Covid-19 của các tập đoàn Pfizer, BioNTech và Moderna, là một công nghệ sinh học mới được phát triển hứa hẹn cho các phương pháp điều trị vượt xa vaccine. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga có vaccine riêng không sử dụng công nghệ sinh học này.
Gary Locke, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc - Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết: “Pfizer và Moderna đã mất nhiều năm nghiên cứu để phát triển các loại vaccine này.Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và những nước khác muốn tiếp cận. Mục đích của họ là có được bí quyết cơ bản để phát triển các loại vaccine khác".
Trung Quốc có tham vọng cao đối với ngành dược phẩm, hiện đã và đang phát triển vaccine mRNA của riêng mình.
James Pooley, luật sư sở hữu trí tuệ và cựu phó tổng giám đốc của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới của Liên Hợp quốc, lưu ý rằng bản thân bằng sáng chế có thể được tiếp cận công khai. Nhưng bí mật thương mại được phát triển bởi Pfizer, BioNTech, Moderna và những tập đoàn khác - "sách nấu ăn" về quy trình sản xuất như nhiệt độ và điều kiện phát triển, sẽ không được công khai. Cuối cùng, đây sẽ trở thành vấn đề kép đối với các nhà đàm phán. Giới chức Mỹ một mặt phải bảo vệ những thông tin kiến thức tối trọng, trong khi vẫn phải đảm bảo các nước có quyền truy cập công nghệ vaccine. 
 “Điều gì sẽ xảy ra khi hóa ra Mỹ không thể thực sự cung cấp thông tin cực kỳ quan trọng để triển khai các phát minh?”, ông Pooley đặt vấn đề. "Đây sẽ được coi là một thất bại nữa của Mỹ và các quốc gia giàu có khác trong việc giữ lời."

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần