Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung vụ Mobifone mua cổ phần của AVG vào diện theo dõi

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Chiều 27/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc và định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp 13 đến nay.

Cơ bản hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch
Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng (Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo), từ sau Phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã nghiêm túc triển khai thực hiện thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo khí thế lan tỏa, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ, hoàn thành cơ bản đúng tiến độ Kế hoạch xử lý các vụ án, vụ việc trong quí I và tháng 4/2018 của Ban Chỉ đạo. Cụ thể là đã kết thúc điều tra 5/5 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 3/3 vụ án; đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 7 vụ, 60 bị cáo, tuyên phạt 2 bị cáo với 3 mức án tù chung thân; 55 bị cáo tù từ 12 tháng đến 18 năm, trong đó phạt tù cho hưởng án treo 8 bị cáo; cải tạo không giam giữ 2 bị cáo.
Các cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đưa 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ra xét xử sơ thẩm với các mức án vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, có sự phân hóa rõ giữa kẻ chủ mưu, cầm đầu với người giúp sức thành khẩn khai báo.
Đó là: Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, phạm tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, phạm tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại PVN liên quan việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).
Các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, mở rộng vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; khẩn trương khởi tố, điều tra làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; kết luận, công khai kết luận thanh tra Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Phát biểu kết luận Cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo thời gian qua đã làm việc tích cực, khẩn trương, phối hợp tốt hơn, chấp hành nghiêm túc Kết luận Phiên họp thứ 13 của Ban chỉ đạo, cho nên các vụ án, vụ việc được xử lý cơ bản theo kế hoạch, có chất lượng, có những việc vượt yêu cầu, làm nức lòng nhân dân. Các khâu kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, rồi các khâu xét xử… đều được đẩy nhanh hơn, quyết liệt, kịp thời. Khâu giám định có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tình trạng trên nóng dưới lạnh bước đầu được khắc phục.
Những kết quả trên càng khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng, chống tham nhũng; củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Tổng Bí thư chỉ rõ những hạn chế trước đây đã dần được khắc phục. Các cơ quan chức năng, các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo, các ngành, các cấp phối hợp với nhau đều tay, tốt hơn trước, ăn nhịp với nhau, cùng nhìn về một hướng, tất cả vì công việc chung. Những việc vừa qua cho chúng ta kinh nghiệm tốt và quan trọng là đang có đà để sắp tới làm tốt hơn. Việc xử lý sai phạm trong cán bộ ngành công an, quân đội, các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương đã về hưu… chứng tỏ không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, thấy sai là làm, mà đã làm là làm đến cùng. Vừa qua, dư luận hoan nghênh cách làm bài bản, nhân văn, chặt chẽ, tạo tiền đề để sắp tới làm tốt hơn.
Tổng Bí thư phân tích một số mặt hạn chế, như tiến độ điều tra một số vụ vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân khách quan là do tính chất phức tạp của vụ án, quy mô lớn. Nhưng về mặt chủ quan, cũng cần xem chúng ta đã hết lòng hết sức chưa, còn chỗ nào vương vấn nữa không? Ngoài ra, khâu giám định tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn khó khăn, định giá tài sản vẫn có chỗ vướng mắc. Một số trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng. Cơ chế là phải trao đổi với nhau, chân tình, đi đến thống nhất vì công việc chung.
Xử lý triệt để ở giai đoạn II
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch năm 2018 của Ban Chỉ đạo.
Nhất là tập trung điều tra, đưa vụ án "Tổ chức đánh bạc, đánh bạc" xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương ra xét xử đúng thời hạn luật định; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý triệt để ở giai đoạn II. Tích cực, khẩn trương, tăng cường phối hợp để điều tra, đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, ra xét xử đúng thời hạn luật định; mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của các đối tượng liên quan trong giai đoạn II của vụ án.
Khẩn trương kết luận điều tra bổ sung và mở rộng điều tra để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á; điều tra bổ sung, truy tố, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 4/11 vụ án còn chậm tiến độ so với Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: Vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Viện Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) (giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm); Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX) và các đơn vị liên quan; Vụ việc sai phạm liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Dung Quất; Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam; Việc phá sản Công ty cho thuê Tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII) và các vụ án, vụ việc liên quan; các vụ án, vụ việc khác theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư chỉ rõ Ban chỉ đạo đã có chương trình, kế hoạch, cứ thế mà làm. Nhưng tinh thần là không làm thay cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ cho đường hướng, quan điểm xử lý, phương pháp, cách làm, tư tưởng chỉ đạo. Yêu cầu chung là cần phải làm nghiêm minh, cố gắng đúng tiến độ, trừ trường hợp bất khả kháng, tránh xử ép xử non.
Tổng Bí thư lưu ý thêm một số vấn đề. Trong đó, các cơ quan tố tụng phối hợp thật tốt, nhuần nhuyễn, bộ phận thường trực giúp Thường trực Ban Chỉ đạo làm việc trực tiếp thường xuyên hơn… Làm việc gì cũng khó, việc lớn việc nhỏ đều khó, mức độ khác nhau, nhưng đấu tranh phòng chống tham nhũng vô cùng khó, gian nan vất vả, đánh vào nội bộ của mình, bên ngoài xuyên tạc… Vừa qua, chúng ta vượt qua được cái khó và có kết quả tốt là rất mừng, cho nên phải nắm chắc pháp luật, chú ý tính chính trị, căn cứ vào bản chất của vấn đề để xem xét, giải quyết…
Tổng Bí thư nhấn mạnh điều quan trọng nhất là tuyệt đối công tâm trong sáng khách quan, vì sự nghiệp chung, không vướng bận yếu tố cá nhân, không bị chi phối vì quan hệ…
Dư luận cho rằng, chưa bao giờ Đảng lấy lại được uy tín như bây giờ, vì có nhiều lý do, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội tốt. Trong đó, lý do rất quan trọng là công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, được tăng cường, qua đó củng cố, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Tổng Bí thư nói: “Đừng sợ làm sẽ mất uy tín, sợ khuyết điểm là không tiến bộ được, mà làm để lấy lại uy tín và đã như thế thì phải công khai”./.