Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận xuất khẩu quá phụ thuộc vào một số thị trường

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận QH sáng nay 26/5, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới của nước ta như xuất khẩu chưa bền vững, phụ thuộc một số thị trường trọng yếu, một số thị trường tăng trưởng nóng; vấn đề gắn kết giữa sản xuất với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua xuất khẩu đã phát triển theo đúng định hướng; giảm xuất khẩu hàng thô sơ, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo; hàng hóa Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Việt Nam đã có quan hệ thương mại trên 200 quốc gia, cũng có tới 9 nhóm ngành hàng lớn khẳng định vị thế trên thế giới. Năm 2017 có 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Việc gia tăng xuất khẩu đảm bảo năng lực nền sản xuất và chiến lược hội nhập rất đúng định hưởng. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng giúp tìm thêm thị trường, đảm bảo cơ bản năng lực sản xuất.
Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Xuất khẩu chưa bền vững, phụ thuộc một số thị trường trọng yếu, một số thị trường tăng trưởng nóng; khó khăn trong vấn đề tháo dỡ các rào cản quan thuế, hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; vấn đề gắn kết giữa sản xuất với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị... Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng chúng ta đang có nhiều thị trường nhưng chưa tìm được "chiến lược riêng".
 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
“Lĩnh vực xuất khẩu đang tồn tại một số vấn đề, dù nhiều thị trường nhưng chưa bền vững, trong đó có việc chất lượng sản phẩm chưa đồng nhất, ổn định. Đây là trở ngại lớn ảnh hưởng tới phát triển thương hiệu, sản xuất theo chuỗi. Đây là yêu cầu ngày càng cao khi yêu cầu thay đổi tập quán thương mại”, ông nói. Trong khi đó, việc xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường như Trung Quốc, EU cũng là trở ngại cho sản xuất trong nước. Ông cho rằng nếu không đa dạng các thị trường sẽ là trở ngại khi có sự cố.
Bộ trưởng cũng thừa nhận thực tế yếu kém trong sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước giúp gắn kết thị trường và dự báo thị trường, nắm bắt nhu cầu.
Để tháo gỡ các rào cản trên, Bộ trưởng nói, cần gia tăng năng lực sản xuất, giảm thiểu hàng rào thuế quan với hàng sản xuất trong nước; đa dạng thị trường xuất khẩu... "Điều kiện tiên quyết đầu tiên là nâng cao chất lượng hàng sản xuất trong nước", ông nhấn mạnh.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ trưởng khẳng định đây là một trong những động lực tăng trưởng, tuy nhiên vẫn tồn tại 2 vấn đề lớn cần khắc phụ như: Công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về năng lực, trình độ nguồn nhân lực, quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường khu vực và thế giới; chính sách chậm đáp ứng yêu cầu; cạnh tranh ngày càng gay gắt...
Năm 2020, xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém
Về xử lý các dự án tồn tại, yếu kém, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm Phó Trưởng ban, hiện đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án tồn đọng, phấn đấu hết 2018 sẽ xử lý cơ bản, đến 2020 hoàn thành xử lý các dự án này, đồng thời có giải pháp ngăn chặn để không xuất hiện thêm các trường hợp tương tự...
“Hiện 2 dự án đã khắc phục được tồn tại đi vào hoạt động thương mại trở lại, bước đầu có lãi. 4 dự án bước đầu giảm lỗ, từng bước đi vào hoạt động ổn định theo đúng lộ trình... Các cá nhân, tổ chức sai phạm liên quan đến các dự án sẽ được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định” – Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói.