Bộ trưởng Bộ KH&ĐT giải trình về chậm giải ngân vốn đầu tư công

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…

Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi nhiều luật

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô, giải ngân vốn đầu tư công, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong nhiều năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các Luật, ban hành cơ chế, chính sách, quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo nhiều đổi mới quan trọng, căn bản trong lĩnh vực đầu tư công.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Việc thực hiện các các khâu trong quy trình cần tuân thủ một trật tự nhất định, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả.

Trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục làm tốt công tác điều hành, quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để việc giải ngân đầu tư công có hiệu quả cao, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát các Bộ, ngành, các địa phương mình hơn nữa.

Sẽ xây dựng các giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, qua thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại với những khó khăn, thách thức, rủi ro tiềm ẩn trong những tháng còn lại có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều ý kiến đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, cơ chế để giảm bớt quá tải, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những điểm nghẽn, tận dụng cơ hội để phát triển, cụ thể đối với những vấn đề như: tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu, than, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; kiểm soát lạm phát; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất; quản lý kịp thời, hiệu quả thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thực sự là kênh huy động vốn đầu tư trong trung và dài hạn, hiệu quả cho doanh nghiệp…

Cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng các giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành trong những tháng cuối năm 2022 và những tháng tiếp theo, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

 

Phát biểu tại nghị trường, các đại biểu cho hay, thời gian qua, đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý, đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước…

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần