Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: “Chúng ta phải xây dựng bệnh viện dã chiến ở đây mang tính khu vực để điều trị cho các bệnh nhân nặng. Vì vậy, việc thiết lập phòng ICU rất quan trọng. Tôi đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trường Đại học Y dược Cần Thơ phải tập trung phối hợp với TP Cần Thơ làm sao để có một bệnh viện dã chiến nhưng điều chỉnh mức độ cấp cứu tương đương như bệnh viện Chợ Rẫy”.
Qua làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao về công tác phòng chống dịch của TP. Triển khai hiệu quả tất cả các chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua. Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, mặc dù Cần Thơ là nơi đón nhận các chuyến bay từ quốc tế về rất nhiều. Sắp tới, TP cần chú trọng hơn nữa trong việc phòng chống dịch, nhất là đặc thù đầu mối giao thông của khu vực, lượng người đi qua thành phố rất dày đặc. Nhất là những ngày lễ sắp tới, vấn đề người dân đi du lịch lơ là trong phòng chống dịch là điều Bộ Y tế rất quan ngại.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng đã cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Đặc biệt, các tỉnh phía Nam có đường biên giới nối với Campuchia là khu vực được đánh giá là có nguy cơ lớn với dịch Covid-19 và thông thường ở biên giới, những đợt sau bao giờ cũng tàn khốc hơn đợt trước.
“Việc lây nhiễm từ Campuchia vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Tình trạng nhập cảnh trái phép trên đường bộ, đường biển rất khó kiểm soát. Sắp tới, phần đông người Việt sau thời gian giãn cách xã hội tại Campuchia sẽ quay về nước. Nếu để xảy ra vấn đề về dịch thì nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt như: An ninh, kinh tế, an sinh xã hội,… của đất nước, sức khỏe của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ cần năng lực chuyên môn, để hỗ trợ cho các tỉnh bạn khi có tình huống xấu. Rà soát, tập trung các khu trọng điểm, trong đó có vấn đề về việc xét nghiệm; không được chủ quan nghĩ rằng địa phương không có ca nhập cảnh trái phép là yên tâm. Vì căn bệnh này lây nhiễm rất thầm lặng, khi bùng phát sẽ khó kiểm soát.
Ngoài ra, thành phố phải chuẩn bị kịch bản kể cả tuyến phường, xã cũng phải có cơ sở cách ly để kịp thời ứng phó nếu đặt trong tình huống dịch xảy ra ở cộng đồng cần phải cách ly một số lượng lớn và trong thời gian rất nhanh.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đến thăm và làm việc với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trường Đại học Y dược Cần Thơ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp với địa phương, Trường đại học Y dược Cần Thơ, nhanh chóng hoàn thành bệnh viện dã chiến tuyến trung ương tại Cần Thơ quy mô 800 giường, sử dụng cơ sở vật chất sẵn có tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền. Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ được giao là bệnh viện tuyến cuối, đầu mối hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế, máy thở… cho bệnh viện dã chiến.
Làm việc tại Trường đại học Y dược Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá trường là đầu tàu trong việc đào tạo nhân lực cho ngành y ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là cánh tay “nối dài” của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ các tỉnh. Tăng cường đào tạo cho toàn bộ sinh viên y, cán bộ y tế của trường về công tác sàng lọc xét nghiệm sẵn sàng tất cả khi Bộ Y tế có nhu cầu điều động lên tuyến đầu chống dịch.