Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận đã tìm cách trả lời chung chung, vòng vo và ĐB không hài lòng.
Quá nhiều điều bất cập
Trước thực trạng ngày càng nhiều học sinh đi học nước ngoài trong khi các trường trong nước không tuyển đủ sinh viên, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: Phải chăng do chất lượng giáo dục đại học yếu kém? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu nhiều nguyên nhân nhưng không đi vào trọng tâm câu hỏi. Sau khi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở, Bộ trưởng thuyết phục bằng cách đưa ra con số về vị trí xếp hạng của giáo dục Việt Nam được quốc tế đánh giá. Theo đó, năm 2011, giáo dục Việt Nam đứng hạng 69/141 quốc gia được xếp hạng.
Liên quan vấn đề liên kết đào tạo, Bộ trưởng khẳng định, hình thức đào tạo tại chức không có lỗi. Bộ GD & ĐT chủ trương không phân biệt các trường ngoài công lập và trường công lập, hệ tại chức và hệ tập trung. Các địa phương từ chối cử nhân ngoài công lập là hồi chuông cảnh báo để chấn chỉnh kịp thời, nâng cao chất lượng đào tạo ngoài công lập, tại chức.
Tuy nhiên, đánh giá chung về chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: "So với nhu cầu hiện đại hóa đất nước, chất lượng giáo dục đại học còn yếu kém". Bộ trưởng đã nhận khuyết điểm vì chưa giải quyết được rốt ráo những kiến nghị của cử tri.
Là người tiền nhiệm của Bộ trưởng Luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đã tham gia trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng thừa nhận một số hạn chế trong giáo dục như chương trình nặng về kiến thức, thiếu giáo dục kỹ năng và mong các ĐB chia sẻ cho khó khăn của ngành khi nguồn lực chung phải tập trung cho từng giai đoạn.
Cần tăng lương cho giáo viên mầm non
Nhiều ĐB đề cập, hiện còn quá thiếu trường mầm non cho con em công nhân, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT cho rằng, đang khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể giải quyết dứt điểm được và hứa sẽ tiếp thu ý kiến ĐB và báo cáo sau. Còn chính sách cho giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, mức lương hiện nay chưa đáp ứng được đời sống cho giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học. Bộ đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa được chấp nhận. Hiện Bộ GD & ĐT đang phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ LĐTB & XH để đề xuất tăng tiền lương cho giáo viên.
Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) chất vấn về việc các trường mầm non công lập chỉ tiếp nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng ở các khu công nghiệp hiện nay, công nhân phải đi làm từ 4 tháng sau khi sinh gây nhiều khó khăn trong công việc. Theo Bộ trưởng, có rất nhiều nguyên nhân nhưng giải quyết lại nằm ngoài khả năng của ngành giáo dục. Bộ trưởng chỉ ghi nhận chứ chưa thể có giải pháp cụ thể, trước mắt sẽ nghiên cứu và làm việc với các địa phương có khu công nghiệp vì kinh phí để giải quyết việc này chỉ có địa phương mới lo được.
Vấn đề này Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận thấy thiếu sót của ngành mầm non là chưa đầy đủ và mong ĐB thông cảm vì điều kiện kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, nhiều ĐB cũng tập trung hỏi các vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Nhiều ĐB không hài lòng, phải hỏi đi hỏi lại, mong mỏi Bộ trưởng GD & ĐT khẳng định cụ thể thời điểm nào sẽ chấn chỉnh được tình trạng lạm thu và việc dạy thêm, học thêm tràn lan trong nhà trường. Rốt cuộc, các ĐB tiếp tục thất vọng bởi Bộ trưởng vẫn chưa đưa ra được lộ trình giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Đề thi môn Lịch sử “không có vấn đề gì”? ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa qua chưa phản ánh được thực tế; học sinh học sử không đến mức độ nào, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử rất cao, thì kết quả thi môn lịch sử vừa qua là có vấn đề. Ông Diệu đề nghị Bộ trưởng GD & ĐT làm rõ vấn đề này. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ "xin ghi nhận". Về kết quả thi tốt nghiệp năm rồi tăng cao, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương có kết quả "bất thường" báo cáo. Đến nay, báo cáo từ các địa phương cho thấy "về cơ bản là phù hợp". Về môn thi Lịch sử bị điểm thấp, Bộ cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm rõ, tuy nhiên đề thi "không có vấn đề gì". |