Năm nào các cấp quản lý cũng mang vấn đề này ra thảo luận tìm cách tháo gỡ, nhưng rồi năm sau STK lại nhiều hơn và rối hơn…
Trăm hoa đua nở
Đứng trước quầy sách lớp 2 trong Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (đường Xuân Thủy), chị Thành vẫn không biết nên mua cuốn nào. Chỉ riêng lớp 2, môn tiếng Việt, Toán cũng đã có gần 30 đầu STK của hơn 10 Nhà xuất bản (NXB). Nếu so với bộ SGK chính thức của Bộ GD&ĐT, STK nhiều gấp 3, 4 lần. Cuốn nào cũng có những cái tên hấp dẫn: Bài tập bổ trợ và nâng cao, Bài tập trắc nghiệm, Toán năng khiếu, Hướng dẫn học tốt, Để học tốt... Nhiều cuốn ghi biên soạn theo chương trình mới của Bộ GD&ĐT nên không biết cuốn nào hay, cuốn nào dở. Cuối cùng, chị đành chọn đại vài cuốn của các NXB uy tín. Đây là thực tế chung của phụ huynh khi chọn sách cho con.
Thống kê sơ bộ tại một số nhà sách lớn ở Hà Nội, số lượng STK luôn gấp nhiều lần so với SGK. Cấp THPT đứng đầu về số lượng với khoảng hơn 400 đầu sách khác nhau, tiếp đến là cấp THCS với gần 200 đầu sách, cấp tiểu học hơn 100 đầu sách... Ngay lớp 1, theo danh mục của Bộ GD&ĐT, bộ SGK có 6 sách học nhưng đến 8 cuốn bổ trợ. Đấy là chưa kể hàng loạt đầu sách khác ở các nhà sách như "Giải Toán lớp 1"; "Bài tập Toán nâng cao lớp 1"; "Em học Tiếng Việt lớp 1", thậm chí cả sách nâng cao môn kể chuyện...
STK năm nay "bắt mắt" hơn và giá tiền cũng cao hơn gấp 3, 4 lần SGK, thậm chí có cuốn gấp 10 lần. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh từng đặt câu hỏi: "Tôi không hiểu STK in ra ai đọc và tại sao vẫn bán được rất nhiều như vậy. Bởi học sinh hiện nay đa số rất ít đọc STK, vì sách chính khóa nhiều em còn ít đọc". Thực tế cho thấy, mặc dù đa dạng, phong phú về chủng loại,nhưng thực chất là lấy bài tập, phần luyện tập trong SGK để giải mà không có phần hướng dẫn hay gợi ý để học sinh tự làm bài. Hiện tượng các loại STK có nội dung na ná nhau do cùng người hoặc một nhóm tác giả biên soạn được các NXB khác nhau phát hành cũng không hiếm.
Hiện cả nước có 57 NXB, trong đó có tới 35 NXB có chức năng ấn hành STK. Nhiều "nhà" thậm chí không có biên tập viên đủ chuyên môn nhưng vẫn liên kết với các nhà sách, đều đều cho ra đời những cuốn STK. Vấn đề quản lý nội dung STK cũng còn nhiều bất cập. STK thuộc lĩnh vực giáo dục, song Bộ GD&ĐT lại không có chức năng quản lý nội dung. Cục Xuất bản là đơn vị quản lý trong lĩnh vực xuất bản, nhưng cũng không chịu trách nhiệm về nội dung mà là người đứng đầu các NXB. Bởi thế, gần đây mới xuất hiện khá nhiều sách biên soạn theo "chuẩn kiến thức mới" lại sai kiến thức khiến thị trường STK càng bấn loạn.
Định hướng cho học sinh về STK
Theo PGS Văn Như Cương, STK cũng giống như một bữa ăn, dù là phụ cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinhthực phẩm, nếu không sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng. Trước đây, viết SGK có biên soạn kèm theo cuốn lời giải. Nhưng sau đó không biên soạn cuốn này nữa vì sẽ xảy ra tình trạng học sinh chép bài giải để trả bài. Hiện chúng tôi có một cuốn bài tập, nhưng chỉ là những bài tương tự SGK để học sinh tham khảo và tư duy.
Bởi thế, vấn đề được các chuyên gia đưa ra là trong lúc thị trường STK hỗn độn, thầy cô giáo cần định hướng cho học sinh nên tham khảo cuốn nào và phải hướng dẫn cho các em. Phụ huynh cũng không nên nghĩ cứ mua thật nhiều STK là con sẽ học giỏi. Bởi chưa vững kiến thức SGK thì đọc STK cũng không tác dụng.