Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng bàn Việt Nam đi tìm lời giải tập huấn và thi đấu quốc tế

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Thi đấu khởi sắc tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) nhưng bóng bàn Việt Nam cũng như bao bộ môn khác, bài toán phát triển chưa có lời giải. Bởi vì bóng bàn Việt không được tham dự nhiều giải đấu quốc tế để thêm kinh nghiệm cọ xát.

Thiếu cọ xát và vấn đề tâm lý

SEA Games 31 khép lại, bóng bàn Việt Nam có duy nhất tấm HCV duy nhất của Nguyễn Đức Tuân đánh bại vận động viên người Thái Lan Phakpoom ở nội dung đơn nam. Trong quá khứ, kể từ SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam năm 2003, tay vợt Trần Tuấn Quỳnh đã thi đấu xuất thần để giành tấm HCV nội dung đơn nam. Kể từ đó đến nay đã 19 năm, ngôi quán quân ở nội dung này chưa lần nào thuộc về bóng bàn Việt Nam tại các kỳ SEA Games.

Tấm HCV của Đức Tuân cùng 4 HCĐ tại SEA Games 31 trên sân nhà của bóng bàn Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá là thành công. Bởi vì, trước khi bước vào Đại hội, bóng bàn Việt Nam cũng chỉ có một chuyến tập huấn quốc tế tại Hungary với khoảng thời gian kéo dài 1 tháng nhưng toàn đội đã mất nửa tháng không tập huấn được do các thành viên trong đội phải điều trị Covid-19.

Vận động viên Nguyễn Đức Tuân mang về tấm HCV quý giá cho bóng bàn Việt Nam ở nội dung đơn nam tại SEA Games 31 sau 19 năm. Ảnh: Tuấn Bảo.
Vận động viên Nguyễn Đức Tuân mang về tấm HCV quý giá cho bóng bàn Việt Nam ở nội dung đơn nam tại SEA Games 31 sau 19 năm. Ảnh: Tuấn Bảo.

Cũng sau SEA Games 31, bóng bàn Việt Nam tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2022 với 5 tay vợt nam, 5 tay vợt nữ. Ngoài mặt tăng cường chuyên môn nhưng cũng để tập trung lấy thành tích, toàn đội hướng tới Giải vô địch bóng bàn thế giới diễn ra tại Thành Đô (Trung Quốc) vào tháng 9 nhưng điều đáng tiếc không thể tham dự.

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn: Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bóng bàn Việt Nam không thể tham dự Giải vô địch bóng bàn thế giới ở Trung Quốc dẫn đến thủ tục đăng ký gặp nhiều khó khăn, không kịp tham gia thi đấu. Đặc biệt, câu chuyện thiếu kinh phí thi đấu quốc tế cũng là nguyên nhân không cử đội tham dự.

Như vậy, nếu không còn giải đấu nào trong năm 2022, bóng bàn Việt Nam chỉ dự thêm giải vô địch Đông Nam Á 2022 ở Thái Lan ngoài SEA Games 31. Trong khi đó, đội trẻ quốc gia cũng không được dự giải quốc tế nào từ đầu năm 2022.

Điều đồng nghĩa các vận động viên thiếu sân chơi cọ xát và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý khi thi đấu như: thiếu tự tin và dễ bị trạng thái căng cứng. Đặc biệt, các tuyển thủ bóng bàn Việt Nam cũng không còn có tên trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng bàn thế giới khi không dự các giải quốc tế trong hơn 2 năm. Câu chuyện không có lợi thế trong bốc thăm hạt giống ở các nội dung thi đấu ở SEA Games 31 là bài học đắt giá cho bóng bàn Việt Nam.

Giải bài toán tập huấn, thi đấu quốc tế

Nhìn ra các nước trong khu vực cũng như thế giới, bóng bàn của các nước mạnh luôn có những tay vợt có lối đánh đa dạng. Để có những lứa vận động viên tài năng và kế cận, các nước luôn có kế hoạch đầu tư bài bản và trọng điểm, đây là điều bắt buộc đối với các môn thể thao không chỉ riêng bóng bàn. Thống kê trong 10 năm qua, bóng bàn Việt Nam gần như không có những tay vợt thiên về lối đánh cắt bóng xa bàn kết hợp đột kích tấn công, không ít vận động viên như Ðoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Anh Tú… từng phải gác vợt trước tuyển thủ lão làng Gonzales của Philippines.

Bóng bàn Việt Nam đi tìm lời giải tập huấn và thi đấu quốc tế. Ảnh: Tuấn Bảo.
Bóng bàn Việt Nam đi tìm lời giải tập huấn và thi đấu quốc tế. Ảnh: Tuấn Bảo.

Vấn đề phát triển bền vững, thành tích ổn định tại các đấu trường lớn ở Đông Nam Á, châu Á, bóng bàn Việt Nam cần được đầu tư bài bản. Trong đó phải ưu tiên đưa các vận động viên các cấp độ đội tuyển bóng bàn quốc gia đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài.

Theo HLV bóng bàn quốc gia Đinh Quang Linh, việc được thi đấu cọ xát với các vận động viên quốc tế, các nước có nền bóng bàn mạnh là điều bắt buộc để hướng tới sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, kinh phí thi đấu quốc tế là bài toán cần giải quyết. Ngoài nguồn kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn (Tổng cục TDTT), rất cần đến sự góp sức từ nhiều nguồn, tạo điều kiện để các vận động viên được tập huấn, thi đấu quốc tế dài ngày hơn tại các quốc gia có nền bóng bàn phát triển, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tổng Thư ký Liên đoàn bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn khẳng định: Việc thi đấu tại giải sẽ giúp các tuyển thủ tích lũy thêm điểm trên bảng xếp hạng thế giới để giúp các tay vợt Việt Nam thuận lợi hơn ở nhiều kỳ giải quốc tế sắp tới trong việc bốc thăm, chọn hạt giống.

“Vấn đề nằm ở nguồn kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn bóng còn hạn nên chỉ có thể đáp ứng yêu cầu thi đấu quốc tế một số giải đấu. Trong thời gian tới, bộ môn sẽ chủ động phối hợp với các địa phương để đưa vận động viên trọng điểm tham gia các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng bàn thế giới, vốn được tổ chức liên tục trong năm” – ông Phan Anh Tuấn cho biết.

Ngoài ra, cũng cần tính tới việc tạo điều kiện cho các vận động viên được thi đấu cho các CLB nước ngoài nếu nhận được lời mời. Đây cũng là cách để bù đắp cho việc thiếu kinh phí thi đấu quốc tế từ đơn vị quản lý. Về lâu dài, bóng bàn Việt Nam vẫn cần học tập cách mà các cường quốc để tiếp thu kỹ thuật cũng như những phương pháp huấn luyện hiện đại, hiệu quả.