Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bữa ăn bán trú vùng ngập úng: an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão, hơn một tuần qua, nhiều khu vực sinh sống của người dân cũng như trường học tại Hà Nội bị ngập úng. Tại đó, công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là thách thức không nhỏ cho các nhà trường.

Tăng hàng trăm suất ăn bán trú/ngày

Hơn một tuần nay, Trường Tiểu học Hợp Thanh B, huyện Mỹ Đức, Hà Nội có học sinh lưu trú tại trường 24/24. Ban ngày, trường có gần 700 học sinh từ khối 1 đến khối 5; buổi trưa có hơn 160 học sinh ăn bán trú và buổi tối có khoảng 50 học sinh nội trú, ăn ngủ tại trường.

Học sinh Trường Tiểu học Hợp Thanh B, huyện Mỹ Đức tại bữa ăn bán trú.
Học sinh Trường Tiểu học Hợp Thanh B, huyện Mỹ Đức được thầy cô chăm lo bữa ăn bán trú chu đáo.

Chia sẻ về tình huống học sinh ngay tại địa phương, cách trường chỉ vài trăm mét nhưng ở nội trú, cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thanh B cho biết: địa bàn xã Hợp Thanh có thôn Phú Hiền thuộc địa hình trũng thấp ven sông Đáy. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) cộng mưa lớn kéo dài, gây ra úng ngập nặng, nơi sâu nhất ngập 4m. Hoàn cảnh ấy khiến người dân phải sơ tán, việc học tập của học sinh bị đảo lộn; thậm chí nguy hiểm vì ban ngày người lớn đi làm, trẻ em không có người trông coi.

Nắm được tình hình úng ngập thôn Phú Hiền, học sinh khó di chuyển đến lớp trong khi trường vẫn tổ chức học tập bình thường, Ban giám hiệu đã xin phép UBND xã và Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức tổ chức cho học sinh thôn Phú Hiền ăn bán trú tại trường (nếu phụ huynh đăng ký).

Được sự thống nhất, ngay sáng 12/9, nhà trường cử nhân viên mua thực phẩm, bát thìa, nấu nướng tại trường. Trưa 12/9, trường cung cấp gần 100 suất ăn cho học sinh, giao Đoàn Thanh niên chăm sóc bán trú chu đáo cho các em. Đêm 12/9, có hơn 10 phụ huynh đăng ký cho con ngủ tại trường vì nhà ngập sâu trong nước. Số học sinh đăng ký ăn bán trú và ở nội trú mỗi lúc một nhiều bởi nước sông tiếp tục dâng cao. Hơn nữa, sau nhiều ngày con được thầy cô chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, gia đình hoàn toàn yên tâm và mong muốn gửi con ở lại trường.

Nếu Trường Tiểu học Hợp Thanh B, huyện Mỹ Đức tổ chức nấu ăn tại trường do nhà dân ngập úng thì Trường Tiểu học Vạn Thái, huyện Ứng Hòa – cơ sở 2 lại ngập sâu trong nước lũ. Để bảo đảm học sinh được đến trường học trực tiếp và duy trì mọi hoạt động giáo dục, nhà trường báo cáo chính quyền địa phương xin chuyển gần 400 học sinh cơ sở 2 sang học tại cơ sở chính; nhanh chóng sắp xếp, bố trí địa điểm, phòng học, cơ sở vật chất để học sinh ổn định việc học.

Khi chuyển về học nhờ tại cơ sở chính – cách nhà học sinh khoảng 3km nên mỗi ngày có hơn 200 học sinh đăng ký ăn bán trú. Tình huống ấy khiến Ban giám hiệu phối hợp đơn vị cung ứng suất ăn bán trú chuyển hướng đặt tăng thêm. Bình thường trường có hơn 100 học sinh ăn bán trú, nay tăng lên gấp 3, đơn vị cung cấp phải mở rộng nguồn thực phẩm đầu vào để cung cấp đủ suất ăn cho học sinh.

Bảo đảm an toàn, chất và lượng

Chia sẻ về công tác tổ chức bữa ăn bán trú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thanh B Nguyễn Thị Như Hoa cho biết, do là vùng nông thôn, trưa bố mẹ, ông bà thường đón con về nhà ăn trưa, chiều lại chở đi học nên số lượng học sinh ăn tại trường trước khi mưa ngập xảy ra chỉ khoảng 50 em. Với số lượng suất ăn như vậy, nhà trường báo đặt tại Trường Tiểu học Hợp Thanh A và không tổ chức bếp ăn tại trường.

Học sinh Trường Tiểu học Vạn Thái - Ứng Hòa hào hứng với bữa trưa tại trường.
Học sinh Trường Tiểu học Vạn Thái - Ứng Hòa hào hứng với bữa trưa tại trường.

Tuy nhiên, khi số lượng suất ăn tăng lên hơn 200, trong điều kiện mưa ngập và thực hiện “3 tại chỗ”, nhà trường đã quyết định tự nấu nướng tại trường để bảo đảm mọi điều kiện an toàn.

Với số tiền được ủng hộ từ các tổ chức và mạnh thường quân cùng gạo, rau, củ quả được hỗ trợ, tặng miễn phí hoặc trợ giá, hàng ngày nhà trường chủ yếu lấy thịt ở một địa chỉ uy tín tại địa phương.

“Căn cứ số học sinh báo ăn, nhà trường sẽ xây dựng thực đơn. Để các em ăn uống đủ chất, không có cảm giác chán ăn, nhà trường thay đổi thực đơn liên tục trong tuần; mỗi bữa gồm 2 món mặn, 1 món rau củ, 1 món canh còn cơm thì ăn thoải mái; vì vậy học sinh được ăn no đủ, sạch sẽ” - cô Như Hoa cho biết.

Với Trường Tiểu học Vạn Thái, Ứng Hòa, trước đó, trường có hơn 100 suất ăn bán trú/ngày nên không tổ chức bếp ăn mà ký hợp đồng với một công ty chuyên cung ứng suất ăn bán trú cho trường học. "Thực đơn được đơn vị cung ứng gửi cho trường hàng tuần. Với mức ăn 25.000 đồng/ngày/học sinh gồm 1 bữa chính (trưa) và 1 bữa phụ, đơn vị cùng nhà trường xây dựng thực đơn khoa học; thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bảo đảm an toàn và chất lượng" - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Thái Kiều Thị Hà cho biết.

Thông thường, nhà trường sẽ báo suất ăn dự kiến cho đơn vị cung ứng từ chiều trước và cập nhật chính xác số lượng suất ăn vào sáng hôm sau. Hơn 10 giờ, nhà cung ứng vận chuyển suất ăn đến trường. Toàn bộ quy trình từ thực phẩm - chế biến – vận chuyển đều đạt chuẩn theo quy định.

 

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2024 - 2025. Trong đó nêu rõ: các đơn vị, nhà trường đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường có tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh.