Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bữa ăn học đường: Nhà trường có nên tự nấu?

Minh Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn bữa ăn học đường luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn lèo tèo, không đảm bảo chất lượng.

Trước thềm năm học mới, bên cạnh cơ sở vật chất, giáo viên, môi trường giáo dục, nhiều phụ huynh cũng rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn học đường.

Bữa ăn học đường tại một trường mầm non ở tỉnh Quảng Nam
Bữa ăn học đường tại một trường mầm non ở tỉnh Quảng Nam

Lo lắng chất lượng suất ăn bán trú

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh trung học cơ sở.

Theo hướng dẫn này, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Thực đơn phải mang tính khả thi, chế biến hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định, điều kiện của từng cơ sở…

Sau quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đánh giá của nhiều phụ huynh, giáo viên, chất lượng bữa ăn tại trường học được cải thiện rõ rệt. Nhiều trường còn thành lập Tổ Giám sát an toàn thực phẩm, có Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia. Ban Giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát. Có trường còn quản lý những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.

Dù vậy trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn lèo tèo, không đảm bảo chất lượng.

Chị Trần Ngọc Lan, một phụ huynh có 2 con đang học tiểu học và mầm non tại quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) bày tỏ rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn của các con tại trường học. “Việc ăn bán trú của các con tôi ở bậc tiểu học và mầm non có sự khác nhau. Cháu mầm non thì nhà trường có nhân sự chuyên trách chế biến món ăn cho nên chúng tôi rất yên tâm. Tiểu học thì chúng tôi chỉ tham gia giám sát” - chị Nguyễn Phương Liên nói.

Trước lo lắng này, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (TP Hà Nội), cho hay nhiệm vụ bắt buộc của giáo dục mầm non là chăm sóc và nuôi dưỡng nên các trường mầm non được trang bị bếp ăn, ký hợp đồng với các cô nuôi… Phụ huynh có thể yên tâm với các bữa ăn chất lượng tại trường.

Quá trình giám sát bếp ăn bán trú trong trường học cần sự tham gia của phụ huynh học sinh. Ảnh: Nam Du
Quá trình giám sát bếp ăn bán trú trong trường học cần sự tham gia của phụ huynh học sinh. Ảnh: Nam Du

Nhà trường có nên nấu ăn?

Theo các chuyên gia, ở những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng, cụ thể trong luật về tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa ăn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực đào tạo chuyên sâu để có thể thực hiện được bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, khoa học và hợp lý trong trường học.

Ở Việt Nam, việc luật hóa các vấn đề về sức khỏe học đường, dinh dưỡng học đường là giải pháp về lâu dài, nếu áp dụng ngay thì chưa thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giáo dục từ Trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra và hỗ trợ chuyên môn cho các trường.

“Bữa ăn học đường không chỉ đảm bảo cho học sinh đủ sức khỏe học tập cả ngày ở trường mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài tới học sinh đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Năm học trước, chúng tôi thường xuyên phải tìm hiểu thông tin về bữa ăn bán trú của các con. Biết các con ăn ngon, sạch mới yên tâm” - chị Nguyễn Ngọc Hà, một phụ huynh sống tại quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường có thể lựa chọn các hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học như: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; Bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho học sinh hay đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài.

Mô hình nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp được phần lớn các trường tiểu học và trung học cơ sở của Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. Với mô hình này, nhà trường có thể yên tâm khi lựa chọn được đơn vị có năng lực, có chuyên môn về dinh dưỡng, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Phụ huynh được chủ động kiểm soát suất ăn hàng ngày cùng với nhà trường. Trong khi đó, đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ kiểm soát chất lượng nguồn gốc thực phẩm, cân đối dinh dưỡng khẩu phần suất ăn, kiểm soát nhân sự làm việc và chế biến tại bếp. Chịu trách nhiệm báo cáo các cơ quan chức năng về công tác phục vụ suất ăn bán trú.

Mô hình nhà trường mua thực phẩm, tự tổ chức nhân sự nấu tại trường chủ yếu được áp dụng đối với các trường mầm non. Chức năng chính của các trường mầm non chính là nuôi dạy nên nhà trường có nhân sự biên chế cô nuôi. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng suất ăn cho các con, đơn vị cung cấp thực phẩm chỉ chịu trách nhiệm đối với chất lượng thực phẩm đã bàn giao cho nhà bếp.

Đánh giá về mô hình nấu ăn tại trường, chị Lương Thùy Linh, một phụ huynh tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho rằng, việc các trường mầm non tự tổ chức nấu ăn tại trường là khoa học, hợp lý, phụ huynh rất yên tâm do các cô được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, nếu các trường tiểu học, trung học cơ sở tự tổ chức nấu ăn tại trường thì cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

“Chức năng chính của các trường tiểu học và THCS là giảng dạy, giờ “ôm” thêm việc nấu ăn thì cả giáo viên và nhà trường đều mệt. Theo tôi nhà trường nên tập trung vào việc chuyên môn chính, còn bữa ăn bán trú, phương án tốt nhất là ký hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn uy tín, chất lượng. Sau đó cả nhà trường và phụ huynh cùng tham gia giám sát quy trình cung cấp suất ăn” - phụ huynh này nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hà Đông thừa nhận thực tế ở cấp tiểu học, đa số các trường đóng trên địa bàn quận Hà Đông không đủ điều kiện nấu ăn cho học sinh. “Cấp tiểu học không bắt buộc nấu ăn tại trường như mầm non, nên tùy theo điều kiện của từng trường có thể chọn các mô hình khác nhau. Tuy nhiên thực tế là đa số các cô không thể lo được việc nấu ăn cho học sinh, trong khi các trường không được định biên cán bộ làm công tác nấu ăn. Thậm chí có trường không có bếp ăn cũng là chuyện bình thường. Gần như các trường phải đi thuê các đơn vị nấu ăn phục vụ cho con em và cùng các phụ huynh giám sát việc cung cấp suất ăn bán trú này” - bà Phạm Thị Lệ Hằng nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại quận Đống Đa (TP Hà Nội) cũng cho hay, để tập trung vào công tác giảng dạy, từ nhiều năm qua trường đã cùng Ban phụ huynh lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp, uy tín. Nhờ đó các thầy cô giáo có thêm thời gian phục vụ công tác chuyên môn.

Theo đánh giá của một chuyên gia dinh dưỡng, mô hình thuê đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp là sự lựa chọn đúng đắn và đang là xu hướng hiện nay, thực tế mô hình này đã được cơ quan chuyên môn ủng hộ và đánh giá cao. “Nên để nhà trường tập trung vào việc giảng dạy, nâng cao kiến thức cho học sinh còn việc phục vụ ăn cho học sinh nhà trường sẽ phối hợp cùng với ban phụ huynh học sinh để lựa chọn được đơn vị cung cấp suất ăn có đủ năng lực thực tế, chuyên nghiệp, tin cậy” - chuyên gia này nói.