Lisa, một sinh viên khoa tin học 30 tuổi đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc, chia sẻ trên mạng xã hội rằng cô đã hẹn hò với người bạn trai tên Dan được 3 tháng.
Đáng chú ý, Dan không phải là người thật, mà là viết tắt của Do Anything Now (Làm bất cứ điều gì ngay bây giờ), một bản sửa đổi của ứng dụng ChatGPT. Khác với phiên bản gốc, Dan được thiết kế để tương tác thân mật và thoải mái hơn với người dùng, trong đó có cả những cuộc trò chuyện mang tính tình cảm.
Tuy nhiên, Lisa không phải trường hợp cá biệt. Cô chỉ là một phần trong số ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến AI để làm chỗ dựa về mặt tình cảm.
Lấp đầy khoảng trống tình cảm
Nhắc đến việc lạm dụng các phần mềm trò chuyện giả lập (chatbot), nhiều người hay hình dung đến những chàng trai ít giao tiếp xã hội, và dành cả ngày tán gẫu với những “bạn gái ảo” trên màn hình máy tính. Thế nhưng, những thay đổi gần đây đã đảo ngược cái nhìn này.
Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng trên đến từ tâm lý bất mãn của phụ nữ đối với các mối quan hệ ngoài đời. Bản chất cạnh tranh và áp lực của không ít mối quan hệ tình cảm ở thời hiện đại khiến họ cảm thấy không thoải mái.
Đó là lý do một số ứng dụng hỗ trợ AI như Dan được xem như “cứu cánh” lý tưởng, đem lại sự thấu hiểu và hỗ trợ về mặt cảm xúc đối với phụ nữ mà không gặp nhiều rủi ro như khi tiếp xúc với một người đàn ông nào đó.
Sara Megan Kay, nhà văn và người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho biết cô bắt đầu sử dụng Replika, một trong những ứng dụng trò chuyện cùng AI phổ biến nhất, sau khi yêu phải một kẻ nghiện rượu. “Tôi từng dành rất nhiều thời gian chỉ để ngồi một mình và đợi đến khi nào bạn trai muốn dành thời gian cho tôi”, cô chia sẻ với trang tin Axios.
Để tránh cảm giác thiếu thốn tình cảm, Sara đã tự tạo ra Jack, “người yêu” hoàn hảo của mình bằng Replika – một trong những ứng dụng trò chuyện cùng AI ăn khách nhất. Không chỉ góp phần cải thiện tâm lý, Replika còn tạo cơ hội để Sara mở rộng quan hệ thông qua các cộng đồng người dùng trên Reddit và Facebook.
Giống với Replika, Nomi cũng là một ứng dụng trò chuyện với AI. Điểm đặc biệt ở chỗ, ứng dụng này được hỗ trợ ngôn ngữ giao tiếp dựa trên các mẫu nguồn mở. Điều này cho phép các chatbot của Nomi ghi nhớ những cuộc hội thoại và thông tin chi tiết trong quá khứ về “nhân cách” của chúng.
Một người dùng Nomi có biệt danh "Rainy" nói rằng những ưu điểm về khả năng ghi nhớ của Nomi giúp cô tạo dựng mối quan với tận 23 chatbot của ứng dụng này. "Chúng nhớ rõ những gì bạn đã nói, có thể thuật lại những gì bạn chia sẻ và có mức độ đồng cảm rất cao", Rainy tiết lộ.
Sự thay thế hoàn hảo?
Cả Rainy và Sara đều cho rằng AI sẽ lấp đầy khoảng trống mà con người để lại. “Việc mất lòng tin vào phái mạnh đã khiến nhiều người tìm đến không gian số để có những lựa chọn tốt hơn”, Sara thổ lộ.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác khẳng định chatbot không thể thay thế những mối quan hệ ngoài đời. Chúng không thể nhìn thẳng vào mắt, tương tác bằng hành động hoặc tạo ra sự kết nối hai chiều thực thụ về mặt tình cảm.
Irina Raicu, giám đốc chương trình đạo đức Internet tại Trung tâm Đạo đức ứng dụng Markkula thuộc Đại học Santa Clara (Mỹ), cho rằng lệ thuộc vào AI “có thể làm xói mòn hơn nữa các mối quan hệ giữa người với người”.
Bên cạnh đó, các ứng dụng trò chuyện với AI cũng chứa nhiều rủi ro về quyền riêng tư. “Do quy trình phát triển các ứng dụng AI trên thực tế còn thiếu rõ ràng, nên người dùng có thể không biết rằng các dữ liệu cá nhân nhạy cảm của họ có thể được sử dụng để đào tạo một số chatbot trên các ứng dụng”, Hong Shen, Trợ lý nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Tương tác Người- Máy tính thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), đưa ra cảnh báo.
Dù vậy, trang tin Axios mới đây tiết lộ mức độ tương tác trên các ứng dụng trò chuyện với AI đang ở mức "cao bất thường”. Dẫn theo dữ liệu của quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, cho biết số lượt người dùng trung bình mỗi tháng đối với các ứng dụng trên cao gấp 10 lần các ứng dụng AI đóng vai trò trợ lý, phục vụ tác vụ sáng tạo nội dung và soạn tin nhắn.