KTĐT - Hàng trăm ngàn con côn trùng quý hiếm đang bị “càn quét” mỗi năm để phục vụ cho niềm đam mê của những nhà sưu tập khắp thế giới.
Bướm Agrias amydon boliviensis - là con mồi béo bở của bọn buôn lậu - Ảnh: onveutout - Entomoservice |
Với điều kiện địa lý có nhiều độ cao khác nhau, Bolivia có hệ sinh thái rất đa dạng và là thiên đường của các loại côn trùng. Vì thế nước này cũng trở thành “miền đất hứa” của bọn buôn lậu, đặc biệt ở các điểm nóng như Coroico Viejo, Santiago de Yolosa, Coroico...
La Razon dẫn lời nhà sinh thái học Fernando Guerra Serrudo thuộc Đại học Mayor de San Andrés (La Paz) cho biết: “Chúng tôi không có con số chính xác nhưng ước tính mỗi năm Bolivia mất từ 200.000-250.000 con côn trùng”. Năm 2007, ông Guerra tiếp xúc với 2 kẻ buôn lậu và được chúng cho biết con số còn kinh hoàng hơn: mỗi năm, từ Bolivia và Peru, ít nhất 1,5 triệu côn trùng đã bị tuồn ra nước ngoài.
2.000 USD một con bướm
Việc buôn bán trái phép côn trùng mang lại những khoản lợi nhuận rất béo bở cho bọn tội phạm. Nhà nghiên cứu Guerra nhận định: “Chỉ với giá tối thiểu 1 USD/con, bọn tội phạm thu được ít nhất 250.000 USD mỗi năm”. Chưa kể giá của nhiều loại côn trùng đặc hữu có thể lên đến hàng ngàn USD/con. Agrias amydon boliviensis là loài bướm đặc hữu của Bolivia, dài không quá 10 cm và có đôi cánh được “trang điểm” bằng những vệt vàng, đỏ hoặc xanh. Đây là một trong những côn trùng được ưa chuộng nhất thế giới và giá của nó cũng thuộc hàng “sao”. Theo ông Guerra, ở nước ngoài, giá loại bướm này lên đến 2.000 USD/con. Trên thị trường, hiện có 3 tiêu chí đánh giá côn trùng: tính quý hiếm, tính đặc hữu và màu sắc. Từng có một “đại gia” bỏ 530.000 euro để sở hữu bộ sưu tập côn trùng toàn “hàng độc”, theo La Razon.
Ong Eulaema sp. - Là con mồi béo bở của bọn buôn lậu - Ảnh: onveutout - Entomoservice |
Thông thường, bọn buôn lậu thuê cư dân địa phương bắt côn trùng. Tiếp đó, người ta vào rừng đặt bẫy. Trên một hecta, có thể có từ 50 - 100 cái bẫy. Mồi được làm từ chuối và các loại trái cây chín rục, trộn với một ít bia và cá ươn, toàn những mùi vị “quyến rũ” đối với côn trùng. Bị mồi thu hút, lũ ong bướm sẽ bay vào lưới và mắc kẹt lại. Chỉ trong một ngày, những người đặt bẫy có thể bắt được 5, thậm chí 10 loại bướm đặc hữu khác nhau. Sau đó bọn buôn lậu sẽ thu gom lại và gửi qua đường bưu điện sang Nhật, Đức, Mỹ, Canada...
Cảnh sát bất lực
Theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF), doanh thu từ buôn bán trái phép động vật quý hiếm chỉ đứng sau buôn lậu vũ khí và ma túy. Bọn tội phạm có thể thu những khoản lợi nhuận khổng lồ và chỉ đối mặt với những án phạt rất nhẹ. Le Monde dẫn lời ông Thierry Bourret, người đứng đầu Cục Phòng chống xâm hại môi trường và sức khỏe cộng đồng trung ương (Oclaesp) cho hay: “Một vài loài rắn có màu sắc đặc biệt có giá 30.000 euro/con, một cặp rùa Yniphora của Madagascar được mua với giá 90.000 euro, một chiếc áo da lông báo châu Phi treo giá 450.000 euro tại Paris... Trong khi đó, nếu bị bắt giữ, bọn tội phạm thường chỉ bị phạt khoảng 6 tháng tù giam và 9.000 euro”. |
Bướm không phải là nạn nhân duy nhất của thị trường đen. Loài ong có tên khoa học Eulaema sp., nổi bật với màu sắc óng ánh như kim loại, cũng đang bị “truy cùng đuổi tận” với giá từ 2-10 USD/con. Chỉ dài tối đa 2 cm, loài ong này chuyên thụ phấn cho phong lan của vùng Yungas. Nếu ong Eulaema bị tuyệt chủng, quần thể hoa phong lan sẽ chết dần chết mòn theo. Hậu quả về mặt sinh thái sẽ rất lớn.
Lực lượng kiểm lâm thuộc cảnh sát quốc gia Bolivia là đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường. Theo họ, buôn lậu côn trùng chỉ mới nổi lên những năm gần đây. Chỉ huy đơn vị, đại tá Jorge Viscarra Vargas thừa nhận trên La Razon rằng cảnh sát vẫn chưa nắm được các phương tiện vận chuyển của bọn buôn lậu. Ngoài ra, lực lượng này còn bị “trói tay” vì chính quyền trung ương vẫn chưa có những quy định, chính sách hợp lý về môi trường. Tội danh buôn bán, săn bắt và tàng trữ trái phép động vật chỉ bị phạt từ một đến hai năm tù.
Ngoài việc phục vụ thị trường quốc tế, các loại côn trùng quý hiếm của Bolivia cũng nằm nhan nhản tại các quầy lưu niệm tại thủ đô La Paz. Du khách có thể kiếm được đủ loại bướm, bọ hung, ong..., với giá từ 8-35 USD/con. Những giống côn trùng quý hiếm cũng sẽ được cung cấp với giá cao hơn nếu khách đặt riêng. Chuyên gia Guerra rất lo ngại: “Nếu không hành động ngay từ bây giờ, những loại côn trùng của Bolivia, và cả Nam Mỹ, sẽ tuyệt chủng”. Các chuyên gia cho rằng cần phải có một chính sách quản lý lâu dài, bền vững, như mô hình trang trại nuôi bọ hung tại Nhật Bản mới có thể bảo vệ các loại côn trùng quý hiếm trong khu vực thoát khỏi “bàn tay nhám nhúa” của bọn buôn lậu.