Gia tăng quy mô, số vụ vi phạm
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) trong tháng 10 tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Tình hình vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ chủ yếu lợi dụng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang, thùng để cất giấu pháo nổ nhằm qua mắt các lực lượng chức năng.
Các vụ việc vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép pháo nổ nổi lên tại một số địa phương, như Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn... trong đó có vụ việc vận chuyển lên đến 700 kg pháo nổ. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như đường kính, thuốc lá, bia, mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh ... cũng là các mặt hàng được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hướng tới, tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng...
Đặc biệt, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có sự gia tăng đột biến về quy mộ, số lượng vụ việc vi phạm. Trong đó, tuyến hàng không tiếp tục có chiều hướng gia tăng cả số vụ việc, số lượng tang vật vi phạm, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Tuyến đường bộ từ Lào thực hiện trung chuyển qua Việt Nam qua tuyến đường biển, cơ quan hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng, bắt giữ vụ việc vận chuyển ma túy lên đến trên 1,3 tấn ma túy các loại.
Ngoài các mặt hàng trên, Cơ quan Hải quan cũng đã phát hiện việc vận chuyển sách, báo có nội dung không phù hợp với văn hóa phẩm của Việt Nam…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, GLTM. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại Iphone nhập lậu trên tuyến hàng không; cảnh báo về thủ đoạn vận chuyển tiền chất ma tuý qua đường hàng không và chuyển phát nhanh; hướng dẫn nghiệp vụ trong việc sử dụng máy phát hiện ma tuý; hướng dẫn, chấn chỉnh công tác báo cáo về ma túy...
Kết quả, từ 16/9-15/10, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.238 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 666,7 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 9 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 48,8 tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng năm 2023 (từ 16/12/2022 đến 15/10/2023), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.691,7 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 433,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 21 vụ, 43 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 9 vụ. Tang vật thu được khoảng 1,35 tấn ma túy các loại gồm: 800gram thuốc phiện; 10,16kg cần sa; 8,9kg heroin; 139gram cocain; 1,3 tấn ketamine; 8,85 kg methaphetamine; 11,8 kg MDMA (thuốc lắc); 6,12 gram và 60 viên ma tuý khác.
Lũy kế 10 tháng năm 2023 (từ 16/12/2022 đến 15/10/2023), ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 221 vụ, 260 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 99 vụ. Tang vật thu được khoảng 2,7 tấn ma túy các loại gồm: 3,1 kg thuốc phiện, 81,5 kg cần sa, 100,52 kg heroin, 323,5 kg cocain, 1.532 kg ketamin và 14.552 viên ketamin (dạng viên), 646,8 kg và 3.224 viên ma tuý tổng hợp, 7,4 kg và 1.090 viên ma tuý khác, 96,36 gram cỏ mỹ và 300 túi nước vui.