Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

'Cá mập'... vẫn nhận lương triệu đô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư có thị phần lớn nhất thế giới thậm chí còn có quỹ lương lên đến 15,95 tỷ USD (trung bình 464.294 USD mỗi nhân viên).

KTĐT - Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư có thị phần lớn nhất thế giới thậm chí còn có quỹ lương lên đến 15,95 tỷ USD (trung bình 464.294 USD mỗi nhân viên).

Thống kê cho thấy mức lương, thưởng mà các ngân hàng lớn trên thế giới trả cho nhân viên của mình trong năm 2009 không hề thua kém so với giai đoạn trước suy thoái.

Tiếp nối những lời kêu gọi của Diễn đàn Davos cuối tháng 1 vừa qua, "thắt lưng buộc bụng" có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong các kế hoạch lương - thưởng của các ngân hàng năm nay. Nhưng thực tế thì sao?

Thống kê của hãng tin BBC, riêng khoản thưởng mà tập đoàn tài chính Barclays dành cho nhân viên của mình trong năm 2009 đã lên tới 4,2 tỷ USD. Dẫn ra khoản lãi 18 tỷ của hãng, lãnh đạo Barclays cho rằng quỹ thưởng như vậy đã là “thấp hơn nhiều so với thông lệ”. Tuy nhiên, 4,2 tỷ USD vẫn là một con số khổng lồ.

Nếu cộng cả lương và thưởng, trung bình mỗi nhân viên tại Barclays Capital, ngân hàng đầu tư của Barclays, bỏ túi 295.744 USD trong năm qua. Và với tổng quỹ lương khoảng 6,5 tỷ USD, không ít nhân viên “mẫn cán” của Barclays Capital đã nhận lương nhiều triệu USD sau năm 2009.

Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư có thị phần lớn nhất thế giới thậm chí còn có quỹ lương lên đến 15,95 tỷ USD (trung bình 464.294 USD mỗi nhân viên). Với Royal Bank of Scotland, ngân hàng dự kiến có kết quả kinh doanh lỗ trong năm qua, cũng có quỹ lương khiêm tốn ở mức 2 tỷ USD.

Tranh biếm họa về lương thưởng tại các ngân hàng trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Ảnh: The Guardian
Tranh biếm họa về lương thưởng tại các ngân hàng trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Ảnh: The Guardian

Giới phân tích cho rằng mức lương, thưởng của các ngân hàng hiện đã ngang ngửa so với giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao các ngân hàng phải tung hàng núi tiền để giữ chân nhân viên trong khi vẫn sống nhờ tiền cứu trợ của các Chính phủ?

Câu trả lời, theo bộ phận nhân lực của các ngân hàng, rất đơn giản: Họ phải trả lương nhân viên theo giá thị trường.

Nhân viên đầu tư giỏi cũng đắt và hiếm không kém gì kim loại quý. Và tất nhiên, giá của họ trên thị trường cũng lên xuống từng ngày. Nếu không trả lương nhân viên theo giá thị trường, một ngân hàng rất dễ mất vào tay chính đối thủ cạnh tranh của mình những nhân lực ưu tú nhất. Và trong thời buổi “người khôn của khó”, để mất nhân viên không phải là một lựa chọn khôn ngoan.

"Mất người nghĩa là mất thị phần", Chris Roebuck, Giáo sư tại trường kinh doanh Cass tại London, người từng phụ trách bộ phận nhân lực tại nhiều ngân hàng lớn, giải thích. "Bạn phải chọn giữa việc trả lương hậu hĩnh hoặc nhìn họ ra đi cùng với rất nhiều khách hàng mà họ đang phụ trách”.

Câu chuyện về việc một ngân viên ngân hàng có thể chuyển từ nơi này sang nơi khác với tốc độ còn nhanh hơn việc thay một chiếc sơ mi là không hề cường điệu.

Trước hết, thị trường lao động hiện nay đã tạo ra một đội quân với cái tên không mấy thiện cảm: “thợ săn đầu người” - những người môi giới lao động mà thu nhập tùy thuộc vào việc họ có thể khiến bao nhiêu người bỏ Ngân hàng A và tới làm cho Ngân hàng B.

Nguyên nhân thứ hai đến từ sự nhỏ bé của thế giới tài chính, nơi có đến nửa tá ngân hàng đặt trụ sở của mình trong bán kính một km2. “Không một nhân lực nào trong ngành công nghiệp có thể tưởng tượng tới việc nhận khoản thưởng 3 triệu USD tại một nơi và 4 triệu USD tại một nơi khác chỉ sau đó 3 tháng”, Patrick Field, giám đốc hãng môi giới việc làm Hanover Search & Selection nhấn mạnh.

Như vậy, nhân lực được các ngân hàng định giá như thế nào?

Khả năng tạo ra thu nhập ổn định được xem là ưu tiên số một. Một bảng thành tích “kiếm tiền” dày dặn có thể khiến một nhân viên có giá trị cao hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Giống như một ngôi sao điện ảnh, một ứng viên có khả năng kinh doanh thiên bẩm, có thể yêu cầu bất cứ điều gì khi đàm phán.

"Nếu muốn lôi kéo nhân lực của đối thủ, đương nhiên các ngân hàng sẽ phải trả lương cao hơn những gì họ đang được hưởng”, Giáo sư Chris Roebuck giải thích. “Các nhân viên này sẽ quay lại đòi hỏi ông chủ của họ tăng lương. Nếu không được đáp ứng, họ sẽ ra đi”.

Mức lương của nhân viên ngân hàng, cũng theo ông Roebuck, gần như đã tăng hàng năm và quá trình này gần như đã kéo dài trong suốt 20 năm qua khi mà đòi hỏi của người lao động ngày một cao.

“Nếu bạn được trả 500.000 USD mỗi năm trong vòng 5 năm liên tiếp, bạn sẽ nghĩ rằng mình xứng đứng có số tiền nhiều hơn thế”, Paul Hammond, Giám đốc điều hành của hãng môi giới lao động Hammond Partners cho biết.

Ngân hàngQuỹ lương - thưởngSố lượng nhân viên
Barclays Capital Lương: 6,5 tỷ USD
Thưởng: 4,2 tỷ USD
22.000
Goldman Sachs15,95 tỷ USD32.500
JP Morgan26,44 tỷ USD200.000
Morgan Stanley14 tỷ USD45.000
Citigroup24,4 tỷ USD200.000
Merrill Lynch4,3 tỷ USD11.000
Credit Suisse13,8 tỷ USD47.600
Deutsche Bank15,2 tỷ USD80.000
Số liệu của năm 2009 do BBC cung cấp

Thừa nhận việc lương thưởng leo thang ngày cành khiến cho chi phí tìm kiếm và giữ chân người tài trở nên đắt đỏ nhưng hầu hết các ngân hàng đều cho rằng đây là xu thế không thể đảo ngược. Lãnh đạo của hầu hết nhà băng cũng cho rằng các Chính phủ cũng khó có thể cương quyết hơn trong vấn đề này khi mà đầu tư tài chính vẫn được xem là lĩnh vực có mức sinh lời cao nhất hiện nay.

“Can thiệp quá mạnh lương thưởng của ngân hàng cũng có nghĩa là nhà chức trách đang tự bắn vào con ngỗng đẻ trứng vàng của mình” ông Paul Hammond nhận định.