Tòa triệu tập hơn 20 người
Sáng nay 12/1, TAND tỉnh Cà Mau mở lại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai vụ án “Cố ý gây thương tích”, xảy ra năm 2015 tại TP Cà Mau, do có đơn kháng cáo kêu oan của 4 bị cáo: Đặng Hữu Thời (SN 1990), Nguyễn Hoài Nam (SN 1996), Lê Phước Trung (SN 1987) và Lâm Hải Long (SN 7/8/1999).
Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, ngoài 4 bị cáo, HĐXX còn triệu tập 2 bị hại, 8 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 9 người biết vụ việc, 3 người bị tố giác và 3 điều tra viên: Quách Công Danh, Nguyễn Thuận Tùng và Cao Tùng Bá.
Theo hồ sơ vụ việc và đã báo Kinh tế và Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh sự vụ này. Theo đó, vào khuya 14/3/2015, trên địa tỉnh Cà Mau xảy ra 2 vụ chém người. Vụ thứ nhất tại cống Nàng Âm (huyện Cái Nước), nạn nhân là anh Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng đang trên đường về nhà thì một nhóm người đuổi chém, Thời bị thương nặng ở đầu, vai và tay, vụ án này đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Vụ thứ hai xảy ra trước cổng khu đô thị Hoàng Tâm (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), bị hại là anh Nguyễn Quốc Toàn, Lê Hoàng Khen, Hồ Minh Tiến.
Từ ngày 15/3/2015 đến 17/3/2015, lần lượt các thanh thiếu niên: Long, Thời, Nam, Trung, Nguyễn Anh Duy (SN 1996), Hà Gia Nguyên (SN 1994), Lâm Tấn Phong (SN 1993) bị bắt khẩn cấp với lý do chém anh Toàn, Tiến, Khen.
Đáng chú ý, thời điểm xảy ra 2 vụ chém người, anh Nguyên đang ở Kiên Giang, cách hiện trường khoảng 150km. Còn anh Phong ở cách xa hiện trường 40km, nhưng cả 2 người phải khai vanh vách chi tiết và viết “tờ nhận tội” theo sự dẫn dắt của ai đó nhằm cố ép 7 thanh thiếu niên đã chém các nạn nhân Toàn, Tiến và Khen.
Sau 11 ngày bị câu lưu và bị tạm giữ để “khai và nhận tội” chém người, anh Nguyên và Phong được trả tự do vì được người thân cung cấp cho cơ quan điều tra những đoạn ghi hình thời điểm xảy ra vụ án, cả hai anh đang... ngủ ở cách xa hiện trường từ 40km - 150km!
Một bị cáo được minh oan
Tháng 7/2016, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm lần thứ nhất kết tội các bị cáo: Thời, Nam, Trung, Long và Duy, nên cả 5 thanh thiếu niên kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất diễn ra vào tháng 11/2016, TAND tỉnh Cà Mau tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng, nhiều chứng cứ kết tội mâu thuẫn. Đặc biệt, Thời vừa bị chém vừa đi tìm người chém mình để trả thù trong cùng một thời gian là không phù hợp.
Sau gần 3 năm điều tra lại, với 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung trái luật vì luật quy định Viện KSND chỉ được trả hồ sơ tối đa 2 lần. Ngày 1/8/2019 Viện KSND TP Cà Mau ban hành quyết định “Đình chỉ vụ án đối với bị can” theo khoản 1 điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự do “Không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội đối với bị can Nguyễn Anh Duy”. Nhưng Viện KSND TP Cà Mau vẫn tiếp tục truy tố Thời, Nam, Trung và Long về tội “Cố ý gây thương tích”. Đối với anh Nguyễn Anh Duy, hiện đang kiện đòi TAND TP Cà Mau bồi thường oan sai với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai (trong các ngày 21, 22 và 25/11/2019), HĐXX gồm: Thẩm phán - chủ tọa Lâm Hoài Ân, 2 hội thẩm nhân dân Nguyễn Hoàng Kha, Võ Thanh Liêm. Đại diện Viện KSND TP Cà Mau là kiểm sát viên (KSV) Dương Bá Tùng và Ngô Kiên Định.
Do có quá nhiều khuất tất, nên tại phiên tòa này các bị cáo, người thân bị cáo, các luật sư đồng loạt đề nghị thay đổi KSV Ngô Kiên Định nhưng không được chấp nhận. Sau đó, HĐXX tuyên 4 bị cáo: Thời 90 tháng tù, Nam 78 tháng tù, Long 48 tháng tù và Trung 66 tháng tù. Vì vậy cả 4 bị cáo nộp đơn kháng cáo kêu oan ngay tại tòa. Bởi lẽ ngay trong 2 bản án sơ thẩm bộc lộ nhiều sai sót và bản án cũng thừa nhận “có thiếu sót trong việc nhận dạng người vi phạm, hung khí gây án”.
Ép nhân chứng đi khỏi địa phương để làm gì?
Đến ngày 9/7/2020, tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, cả 4 bị cáo đồng loạt nộp chứng cứ quan trọng là 2 đoạn ghi âm buổi làm việc giữa KSV Ngô Kiên Định, điều tra viên (ĐTV) Quách Công Danh (thuộc Viện KSND và Công an TP Cà Mau) với anh Nguyễn Phương Nam (SN 1997, người làm chứng).
Trong 2 đoạn ghi âm thể hiện KSV Ngô Kiên Định hướng dẫn cho nhân chứng Nguyễn Phương Nam đi khỏi địa phương để không ra tòa làm chứng cho các bị cáo có chứng cứ ngoại phạm; Đe dọa bắt nhân chứng Nguyễn Phương Nam nếu anh này không rời khỏi địa phương.
Ngoài ra, tại cấp tòa sơ thẩm xác định thời gian anh Đặng Hữu Thời bị chém lúc 23 giờ 30 phút đến 24 giờ ngày 14/3/2015. Tuy nhiên, anh Thời khẳng định mình cùng anh Tổng, anh Đẳng bị chém vào khoảng thời gian khoảng 1 giờ đến 1 giờ 10 phút sáng 15/3/2015. Sau đó, Thời được anh Tổng chở vào Bệnh viện Đa khoa Cà Mau để cấp cứu, đi cùng có anh Nguyễn Tấn Phong chở chị Huỳnh Kiều Diễm. Đến khoảng 5 giờ sáng anh Tổng và anh Phong về.
Khi làm việc với cơ quan điều tra, anh Tổng, anh Phong và chị Diễm đều khai trùng khớp khoảng thời gian anh Thời khai bị chém. Và những lời khai của 3 người này hoàn toàn khách quan, bởi vì lúc đó Thời đã bị tạm giữ nên không thể thông cung.
Bên cạnh đó, anh Nguyễn Thành Tú (công nhận vệ sinh), khai tại Công an TP Cà Mau ngày 9/12/2016 (bút lục 1557): “… Thông thường tôi thức trước 1 giờ sáng, nhưng vào đêm 14/3 rạng sáng 15/3/2015, tôi ngủ quên nên thức giấc vào khoảng 1 giờ 15 phút…; Lúc này tôi nghe tiếng xe từ hướng cầu Lương Thế Trân chạy đến đánh tới tấp 3 thanh niên…; Tôi xác định được thời gian 3 thanh niên bị đánh lúc 1 giờ 15 phút là do tôi thức giấc đi làm, có xem đồng hồ trên điện thoại”.
Mặt khác trong hồ sơ bệnh án do Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cung cấp, anh Thời nhập viện lúc 2 giờ 5 phút sáng 15/3/2015, còn anh Nguyễn Quốc Toàn (bị hại) nhập viện lúc 2 giờ 20 phút sáng cùng ngày. Do vậy không thể có việc Thời gây án đối với anh Toàn.