Singapore sắp nới lệnh phong tỏa một phần
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong ngày 2/5 cho biết nước này sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 trong vài tuần tới để từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế khi số ca nhiễm mới trong cộng đồng đang giảm dần.
Một số hoạt động như kinh doanh tại nhà, dịch vụ giặt ủi hay làm tóc sẽ được cho phép mở cửa trở lại từ ngày 12/5. Học sinh, sinh viên sẽ được quay trở lại trường học theo từng nhóm nhỏ từ ngày 19/5.
Một số cơ sở làm việc sẽ được phép mở lại dần dần dựa trên tầm quan trọng của chúng đối với nền kinh tế và chuỗi cung ứng cũng như khả năng giảm thiểu rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19.
Singapore đang đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong 55 năm qua với việc chính phủ phải áp đặt lệnh phong tỏa một phần nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2, ít nhất là tới ngày 1/6.
"Chúng tôi đang chuẩn bị để từ từ mở cửa trở lại nền kinh tế và nối lại các hoạt động cộng đồng một cách an toàn sau khi kết thúc thời gian phong tỏa vào ngày 1/6/2020", Bộ Y tế Singapore cho biết trong một thông báo.
Singapore hiện có số ca nhiễm bệnh Covid-19 cao nhất tại Đông Nam Á, chủ yếu là do dịch bùng phát tại các khu ký túc xá cho lao động nhập cư chật chội.
Chính phủ Singapore cho hay các biện pháp hạn chế vẫn có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tình hình thực tế và người dân nên tiếp tục ở yên trong nhà, tránh tụ tập đông người.
Bộ Y tế Singapore cho biết nước này có thêm 447 ca mắc virus SARS-CoV-2 trong ngày 2/5, đưa tổng số người nhiễm Covid-19 lên 17.548. Số ca tử vong vì bệnh Covid-19 tại Singapore là 16.
Thái Lan có thêm 6 trường hợp nhiễm Covid-19
Hôm 2/5, Thái Lan ghi nhận 6 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và không có trường hợp thiệt mạng. Hiện tổng số ca nhiễm virus ở nước này là 2.966.
Số ca nhiễm bệnh Covid-19 hàng ngày ở Thái Lan đều dưới 10 trong 6 ngày liên tiếp. Do đó, Chính phủ Thái Lan quyết định cho phép một số doanh nghiệp và công viên công cộng mở cửa trở lại vào ngày 3/5.
Theo người phát ngôn của Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 của Thái Lan Taweesin Wisanuyothin, 3 trong số các trường hợp nhiễm bệnh mới đã được ghi nhận trên hòn đảo nghỉ mát phía Nam Phuket.
Người phát ngôn Taweesin Wisanuyothin cũng cho biết, trong khi hơn 50% trong tổng số 3.000 ca nhiễm bệnh Covid-19 tại Thái Lan chủ yếu ở Bangkok, và Phuket có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất cả nước.
Theo số liệu chính thức được Thái Lan công bố, kể từ khi Thái Lan lần đầu tiên phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào tháng 1, đến nay nước này có tổng cộng 54 người chết, 2.732 ca đã hồi phục và 180 người đang phải nằm viện.
Malaysia nới lỏng các biện pháp hạn chế
Chính phủ Malaysia đã quyết định mở cửa trở lại các lĩnh vực kinh tế một cách thận trọng kèm các quy định tuân thủ những tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt.
Ngày 1/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo nước này sẽ cho phép các DN khôi phục hoạt động từ ngày 4/5, nới lỏng một phần những hạn chế được áp đặt từ ngày 18/3 nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo nước này sẽ cho phép các DN khôi phục hoạt động từ ngày 4/5. |
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Yassin nói rằng Malaysia sẵn sàng bắt đầu nối lại hoạt động kinh tế một cách thận trọng và có kiểm soát.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đặc thù tụ tập đông người và tiếp xúc gần như rạp chiếu phim và các chợ Ramadan, chưa được phép mở cửa trở lại.
Các trường học và đền thờ Hồi giáo cũng vẫn đóng cửa. Người dân cũng không được phép về quê trong kỳ nghỉ Eid cuối tháng 5, sau tháng lễ Ramadan.
Theo Thủ tướng Yassin, một số biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và duy trì vệ sinh dịch tế vẫn được duy trì nghiêm ngặt.
Các hoạt động thể thao có không quá 10 người tham gia, như chạy, cầu lông và đạp xe được phép diễn ra, các hàng ăn có thể mở cửa lại nhưng phải tuân thủ lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Malaysia vẫn chưa mở cửa lại biên giới, dịch vụ du lịch nước ngoài cũng chưa được hoạt động trở lại.
Ngoài ra, Thủ tướng Yassin cũng thông báo Malaysia thiệt hại khoảng 2,4 tỷ ringgit (tương đương 558,5 triệu USD) mỗi ngày vì áp đặt lệnh phong tỏa một phần ngăn chặn dịch Covid-19, và tính đến nay đã tổn thất 63 tỷ ringgit (tương đương 14,66 tỷ USD).
Chính phủ Malaysia thực hiện biện pháp hạn chế đi lại, yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu và các trường học đóng cửa từ giữa tháng 3 khi số ca nhiễm bệnh Covid-19tại quốc gia này tăng mạnh. Nhờ đó, số ca nhiễm mới đã chậm lại đáng kể trong vài tuần trở lại đây.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Malaysia, nước này hiện có khoảng 6.071 ca mắc bệnh Covid-19 và 103 người tử vong.