Hiện, nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn đã nghỉ vụ 2018 - 2019 và triển khai việc bảo dưỡng máy móc, thiết bị.
Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.300 - 2.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tháng 6/2019. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.200 - 2.400 đồng/kg.
Hiện, lượng sắn lát tồn kho khoảng hơn 100.000 tấn. Do giá sắn lát nội địa tăng cao nên các DN chào giá xuất khẩu lên mức 255 USD/tấn FOB (giao lên tàu) cảng Quy Nhơn cho hàng giao tháng 7/2019. Trong khi, các nhà máy Việt Nam đang chào bán giá xuất khẩu tinh bột sắn ổn định so với cuối tháng 6/2019, với mức giá khoảng 420 - 430 USD/tấn FOB cảng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, số lượng giao dịch không nhiều.
Tháng 6/2019, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều giảm, trừ Hàn Quốc và Philippines. Trong đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm 12,6% về lượng và giảm 11,3% về trị giá.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Việt Nam và Thái Lan, trong khi lại tăng nhập từ Campuchia và Lào. Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng tinh bột sắn lớn thứ 2 cho Trung Quốc, chiếm 21,2% thị phần trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, đứng đầu là Thái Lan chiếm 74,8%, Campuchia chiếm 3,9%.