Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các địa phương đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, các địa phương đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Chính quyền xin lỗi doanh nghiệp
Ngày 19/7, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 1 năm 2019, có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh  và 130 doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ngoài các ý kiến đã gửi bằng văn bản và được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh thống kê, đại diện các doanh nghiệp đã đặt ra 14 ý kiến trực tiếp, đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, một số ý kiến như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Apolo Việt Nam (chủ sở hữu người Hàn Quốc) kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động từ năm 2018; doanh nghiệp Vườn Thương kiến nghị đã 9 năm qua, TP Đà Lạt ra quyết định thu hồi đất đã cấp cho doanh nghiệp mà chưa có phương án bồi thường; hay doanh nghiệp tư nhân sản xuất tơ lụa Lâm Đồng đề nghị tỉnh xem xét chính sách thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực sản xuất tơ lụa vào địa bàn...
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp không ít vướng mắc.
Tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, địa phương đã tiếp thu và đưa ra phương án giải quyết những vướng mắc của các doanh nghiệp nêu ra.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San đã công khai xin lỗi doanh nghiệp Vườn Thương vì thời gian giải quyết vướng mắc quá lâu. Ông Tôn Thiện San cũng đề nghị doanh nghiệp cùng tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giải quyết, do các loại cây thuốc quý hiếm mà doanh nghiệp trồng trên diện tích phải giải tỏa không có trong danh mục của nhà nước, nên chưa có biểu giá để tính toán bồi thường…
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã chỉ đạo cách thức tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với một số trường hợp cụ thể, kéo dài trong nhiều năm chưa xử lý được. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, tại hội nghị còn nhiều ý kiến lặp lại các kỳ đối thoại trước, cho thấy việc giải quyết các vấn đề còn chậm, chưa triệt để.
Tuy nhiên, tại hội nghị lần này, không có ý kiến bức xúc về thủ tục hành chính, nghĩa là tỉnh đã thực hiện tương đối tốt cải cách hành chính, giải quyết thủ tục đầu tư. Nhưng có nhiều ý kiến nêu lên vướng mắc trong quá trình thực hiện, chứng tỏ mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tham gia hoạt động tại địa bàn còn thấp. Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần phải tiếp tục cải cách về thủ tục hành chính để các nhà đầu tư thực sự hài lòng và kêu gọi thêm các doanh nghiệp tới đầu tư, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Để chuẩn bị cho hội nghị đối thoại, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phát đi 1.300 phiếu khảo sát và thu được 48 phiếu phản hồi của các doanh nghiệp.
Giải quyết dứt điểm, đi đến cùng
Ngày 19/7, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ 2 năm 2019 với sự tham dự của 100 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Trả lời các ý kiến của doanh nghiệp tại hội nghị, ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các Sở, ngành trong quá trình giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp cần giải quyết dứt điểm, đi đến điểm cuối cùng chứ không phải giải quyết cho xong việc. UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ quan có liên quan xử lý vướng mắc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những vấn đề vượt quá thẩm quyền của tỉnh sẽ kiến nghị lên Trung ương để điều chỉnh, bổ sung.
Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thừa nhận, hiện nay hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chính sách tại Đắk Nông còn khó khăn hơn chính sách của Trung ương. Tỉnh vẫn còn nhiều cán bộ, công chức có tiêu cực trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển. Lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên tinh thần tích cực, kịp thời và hiệu quả. 
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã tiếp nhận, tổng hợp, xử lý và chuyển nhiều ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Các kiến nghị tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực liên quan đến các sở, ngành như: tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; kế hoạch đầu tư; tài chính; ngân hàng và thuế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính trong hoạt động chuyển đổi chủ sở hữu đất; thủ tục giao đất, cho thuê đất; việc giải quyết các tranh chấp đất đai trong vùng dự án đối với việc người dân xâm canh, phá hoại tài sản; tranh chấp đất đai giữa doanh nghiệp với người dân chậm giải quyết triệt để…
Bạc Liêu thành lập Hiệp hội doanh nghiệp
Tại Bạc Liêu, Ban Vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh vừa tổ chức Đại hội Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu lần thứ I, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Ông Trần Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vào tháng 10/2018, với 3 mục tiêu chính. Đó là, tổ chức tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh với mục đích đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ các hoạt động kinh tế góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đây cũng là đầu mối thúc đẩy phát triển quan hệ của các doanh nhân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ giữa doanh nghiệp với các tổ chức khác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi… Từ đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến cho hay, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân của tỉnh đã đồng hành luôn với tỉnh đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu luôn đạt được nhiều thành tựu quan trọng và có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Có được kết quả trên phải kể đến sự đóng góp quan trọng của hơn 2.300 doanh nghiệp, cùng 29.000 hộ kinh doanh và 150 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Minh Chiến kêu gọi các doanh nghiệp đồng tâm hiệp lực, năng động sáng tạo và nhất là phải "biết khát vọng” tập trung vào thế mạnh của mình, vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của Bạc Liêu.
Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, từ nay đến cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về đầu tư kinh doanh; tăng cường hỗ trợ, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính có liên quan cho nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu tìm hiểu, nghiên cứu dự án, thành lập doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp đến sau giấy phép.
Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thông qua chương trình đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ cho khởi nghiệp; đào tạo nâng cao kiến thức cho đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cùng với đó, Bến Tre tăng cường đối thoại với doanh nghiệp thông qua các diễn đàn đối thoại doanh nghiệp, “Cà phê doanh nghiệp” định kỳ hàng tháng; tổ chức “Bàn tròn khởi nghiệp” định kỳ hàng tháng để tạo diễn đàn chia sẻ, giao lưu và định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các kết nối, tư vấn; kịp thời chia sẻ thông tin các chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ khu công nghiệp Phú Thuận để xây dựng khu tái định cư, thi công hạ tầng, tạo quỹ đất cho doanh nghiệp tiếp cận đầu tư thuận lợi.
Song song đó, tỉnh duy trì và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các cụm công nghiệp hiện tại như Long Phước, Phong Nẫm, An Đức - thị trấn Ba Tri và Tân Thành Bình.
Thời gian tới, tỉnh triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh (DDCI) để thúc đẩy, tạo sự thi thua, cải cách và nâng cao chất lượng điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, thời gian qua, việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và giới thiệu tiếp cận các chính sách ưu đãi để doanh nghiệp biết và tiếp cận, không phân biệt loại hình, quy mô.
Hiện tỉnh đang hoàn chỉnh đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến tre đến năm 2025 nhằm tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, thúc đẩy và phát triển mới các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính tỉnh đã đưa vào vận hành chính thức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bến Tre tiếp nhận và trả hồ sơ của 16 sở, ban, ngành tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tăng cường vận động tạo quỹ đất sạch, phối hợp giải phóng mặt bằng, cung cấp thông tin về đất đai để thu hút và mời gọi đầu tư.