Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các ngân hàng ASEAN “dính đòn” khi Fed trì hoãn nới lỏng chính sách

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo hãng phân tích tín dụng Criat, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ASEAN có thể xấu đi trong 3 quý tới do rủi ro vỡ nợ từ các khoản vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Ba ngân hàng lớn nhất ASEAN tại Singapore gồm DBS Group Holdings, United Overseas Bank (UOB) và Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC), đang phản ứng trái ngược nhau trong bối cảnh Fed vẫn trì hoãn kế hoạch nới lỏng chính sách. Ảnh:  Nikkei
Ba ngân hàng lớn nhất ASEAN tại Singapore gồm DBS Group Holdings, United Overseas Bank (UOB) và Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC), đang phản ứng trái ngược nhau trong bối cảnh Fed vẫn trì hoãn kế hoạch nới lỏng chính sách. Ảnh:  Nikkei

Tờ Nikkei Asia đưa tin, nhiều ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt khó khăn khi các Ngân hàng Trung ương khu vực chần chừ nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát dai dẳng. Điều này làm gia tăng áp lực lên lợi nhuận của ngành ngân hàng ASEAN.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ không sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay khiến các Ngân hàng Trung ương của 10 quốc gia thuộc ASEAN duy trì lãi suất ở mức cao hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình khó vay vốn hơn, dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu cho hàng loạt ngân hàng trong khu vực.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty phân tích tín dụng Criat, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ASEAN có thể xấu đi trong 3 quý tới do rủi ro vỡ nợ từ các khoản vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Criat dự báo các doanh nghiệp SME sẽ gặp khó khăn về thanh khoản.

Ba ngân hàng lớn nhất ASEAN tại Singapore tính theo tài sản gồm DBS Group Holdings, United Overseas Bank (UOB) và Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC), đang phản ứng trái ngược nhau trước tình hình hiện nay.

OCBC tham khảo lãi suất của Fed để thiết lập lãi suất của riêng họ và đã đạt kết quả lợi nhuận tích cực trong quý 1/2024. Trong báo cáo công bố tuần trước, OCBC cho biết, lợi nhuận ròng trong 3 tháng đầu năm là 1,98 tỷ đô la Singapore (1,46 tỷ USD), tăng 5% so với một năm trước. Tuy nhiên, OCBC cảnh báo về khả năng gia tăng nợ xấu và nói rằng họ đang theo dõi chặt chẽ danh mục cho vay của mình.

Trong khi đó, UOB đã giảm lãi suất cho một số sản phẩm tiết kiệm nhằm giảm chi phí huy động vốn. Ngân hàng này cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý 1/2024 là 1,49 tỷ đô la Singapore (tương đương 1,1 tỷ USD), giảm 1,6% so với một năm trước đó trong khi lượng tài sản, khoản vay không thể thu hồi tăng lên so với quý trước.

Giám đốc điều hành UOB Wee Ee Cheong cho biết tại cuộc họp báo vào tuần trước: “Môi trường toàn cầu vẫn chưa chắc chắn, chúng tôi dự kiến Fed sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn trong năm nay do nền kinh tế Mỹ vẫn phục hồi tốt và lạm phát chưa hạ nhiệt. Lãi suất dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn, nhưng chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về triển vọng năm nay”.

Tương tự OCBC, DBS - ngân hàng lớn nhất Singapore, giữ nguyên tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền để thu hút và giữ chân khách hàng, mặc dù báo cáo mới nhất cho thấy tài sản không sinh lời của ngân hàng này trong quý 1/2024 tăng 3%, lên mức 5,22 tỷ đô la Singapore (3,85 tỷ USD).

Các ngân hàng ở Singapore đang nỗ lực duy trì ổn định hoạt động, đặc biệt là thời điểm Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ để có thể đưa ra quyết định phù hợp.

Chuyên gia Rick Rieder - Giám đốc tại công ty đầu tư BlackRock của Mỹ đánh giá: “Fed có thể sẽ kiên nhẫn trong việc hạ lãi suất. Nhiều khả năng việc bắt đầu cắt giảm lãi suất sẽ bị lùi lại cho đến…tháng 9 hoặc tháng 12”.

Theo Nikkei Asia, bối cảnh lãi suất cao kéo dài đang khiến tốc độ tăng trưởng biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng Singapore đi ngang hoặc giảm.

Tại một số quốc gia khác trong ASEAN, xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở các ngân hàng của Malaysia và Thái Lan. Trong báo cáo gần đây, cơ quan nghiên cứu tín dụng CreditSights cho biết, tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng Malaysia gồm CIMB Bank, Maybank và RHB Bank đều giảm.

Các ngân hàng tại Thái Lan như Bangkok Bank và Krung Thai Bank cũng chứng kiến tỷ lệ NIM sụt giảm trong quý I/2024, theo báo cáo tháng 4 của CreditSights.

Trước đó, tại cuộc họp chính sáchh đầu tháng 5 này, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất và cho biết những dấu hiệu đáng thất vọng về tình hình lạm phát gần đây có thể làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.

Các ngân hàng ASEAN đang chờ đợi lập trường nới lỏng tiền tệ rõ ràng hơn từ Fed. Nếu Ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn, lợi nhuận của ngành ngân hàng khu vực có thể sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.