Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nước đồng minh phương Tây sẽ bị sa lầy ở Libya

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Shashank Joshi, thuộc Viện Royal United Service, cho rằng liên minh này có thể bất hòa với nhau nếu chiến dịch tấn công Libya kéo dài trong nhiều tuần

KTĐT - Shashank Joshi, thuộc Viện Royal United Service, cho rằng liên minh này có thể bất hòa với nhau nếu chiến dịch tấn công Libya kéo dài trong nhiều tuần

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, ngày 20/3 cho biết các cuộc không kích ban đầu của phương Tây nhằm vào Libya đã đạt được những kết quả đáng kể.

Đó là "tiêu diệt" được hệ thống phòng không của nhà lãnh đạo độc tài Muammar Gaddafi, tấn công các trận địa phòng không của Libya và thực sự thiết lập được một khu vực cấm bay theo sự ủy thác của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo chớ nên hy vọng các cuộc tấn công này sẽ mang lại một chiến thắng nhanh chóng hoặc dễ dàng. Mặc dù các giai đoạn đầu của chiến dịch tấn công Libya chắc chắn sẽ được tuyên bố là thành công, song cuộc xung đột này sẽ ngày càng trở nên khốc liệt, với nguy cơ các nước đồng minh phương Tây bị sa lầy vào một tình thế bế tắc kéo dài.

Shashank Joshi, thuộc Viện Royal United Service, cho rằng liên minh này có thể bất hòa với nhau nếu chiến dịch tấn công Libya kéo dài trong nhiều tuần, trong đó Mỹ chỉ tham gia một phần nhỏ còn các nước Arập vùng Vịnh hầu như không đưa ra bất kỳ sự giúp đỡ thiết thực nào.

Joshi nêu bật sự mâu thuẫn giữa mục tiêu mà Mỹ tuyên bố là bảo vệ dân thường và viện trợ nhân đạo, chứ không phải lật đổ Gaddafi, với mục tiêu mà Anh và Pháp tuyên bố rõ ràng là "hạ bệ" ông ta.

Joshi cũng cho rằng do chiến dịch không kích toàn diện này sẽ ngốn tới 150 triệu USD/tuần, chắc chắn các nước châu Âu sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng chính trị vì họ đang phải áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và cắt giảm ngân sách quốc phòng do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Theo ông, không có gì đảm bảo rằng chiến dịch không kích mạnh mẽ ban đầu này sẽ lật đổ được Gaddafi, đồng thời chỉ ra sự kiện NATO ném bom Serbia năm 1999 với hy vọng lật đổ Slobodan Milosevic trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra và chỉ sau một tháng liên minh này đã đứng bên bờ vực tan rã. Joshi cho rằng phương Tây sẽ rất khó có thể duy trì quyết tâm trong cuộc chiến tranh Libya.

Trong khi đó, Oliver Miles - cựu đại sứ Anh tại Libya - cũng tỏ ra hoài nghi về toàn bộ chiến dịch này và cho rằng thậm chí giai đoạn đầu của cuộc tấn công cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với dự đoán của các nước đồng minh.

Phát biểu trên đài truyền hình BBC, ông nói: "Nghe thì có vẻ khá đơn giản, chẳng hạn như việc tấn công các xe tăng, nhưng đừng quên rằng các phiến quân cũng có xe tăng lấy từ các lực lượng vũ trang Libya đào tẩu. Làm thế nào để một người ngồi từ rất xa có thể đoán được xe tăng đó do một người Libya ủng hộ Gaddafi hay chống Gaddafi điều khiển?"

Mạng Stars and Stripes (Mỹ) ngày 20/3 dẫn lời Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Tham Mưu trưởng Liên quân, nói: "Khu vực cấm bay đã có hiệu quả. Chúng tôi đã ngăn chặn lực lượng của Gaddafi ở khu vực xung quanh Benghzi. Nhưng khó có thể nói điều gì sẽ xảy ra trong những ngày và những tuần sắp tới."

Bất chấp lực lượng liên minh do Mỹ lãnh đạo thành công trong việc đánh phủ đầu các hệ thống phòng không cũng như các đơn vị quân đội trung thành với chế độ, ông Gaddafi vẫn công khai thách thức bằng cách phát đi một bức thông điệp trên vô tuyến truyền hình Libya: "Chúng tôi sẽ không rời khỏi tổ quốc của mình và chúng tôi sẽ giải phóng đất nước."

Nhiều vấn đề chính trị gai góc khác cũng đang đặt ra cho lực lượng liên minh. Mặc dù các quan chức Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước Arập trong việc ủng hộ hành động chống ông Gaddafi, song ngày 20/3, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Amr Mousa cho biết các cuộc không kích do Mỹ lãnh đạo đã vượt ra ngoài cái gọi là khu vực cấm bay và giết hại nhiều người Libya vô tội.

Ông nói: "Vấn đề cơ bản mà chúng tôi mong muốn là bảo vệ người dân, chứ không bắn pháo hơn nữa vào người dân"./.