Các nước Mỹ Latinh tìm cách đối phó “cú sốc” giá dầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá dầu tăng kỷ lục trong thời gian gần đây do tình hình xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm triển vọng nhiên liệu tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Các nước nhập khẩu dầu ở Mỹ Latinh tìm cách chống đỡ cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Bloomberg
Các nước nhập khẩu dầu ở Mỹ Latinh tìm cách chống đỡ cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Bloomberg

Theo TTXVN, các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe bắt đầu thực hiện các biện pháp thương mại, thuế và tài chính phòng ngừa để đối phó với “cú sốc” năng lượng do giá dầu thế giới chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 trong bối cảnh nền kinh tế chưa thể phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine càng làm trầm trọng thêm triển vọng năng lượng tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe - nơi đã chứng kiến mức giá năng lượng tăng mạnh trong năm 2021.

Theo một báo cáo từ Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc, từ tháng 1-10/2021, giá năng lượng tại khu vực này đã ghi nhận các mức tăng khá lớn so với năm 2021, trong đó giá than đá tăng 119%, còn mức tăng của khí đốt tự nhiên, dầu thô lần lượt là 96% và 71%.

Trước khi xảy ra cuộc xung đột quân dự tại Ukraine hôm 24/2 vừa qua, CEPAL đã từng cảnh báo việc nhu cầu đối với nhiên liệu tăng cao hơn nhiều so với nguồn cung sẽ đẩy giá dầu lên cao.

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đã cố gắng kiềm chế giá bằng cách tuyên bố giải phóng dầu từ các kho dự trữ chiến lược vào năm 2021, song giá “vàng đen” vẫn tiếp tục tăng và vượt 80 USD/thùng vào tháng 10/2021.

Thống kê của CEPAL cho thấy chi phí nhập khẩu nhiên liệu và chế phẩm từ dầu mỏ của khu vực Mỹ Latinh và Caribe lên đến 58,76 tỷ USD trong quý I/2021, tăng 42,3% so với cùng kỳ của năm 2020.

Bộ trưởng Năng lượng Panama Jorge Rivera cho rằng giá nhiên liệu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng phương tiện giao thông mà còn tác động đến nông nghiệp, các hoạt động sản xuất khác của nền kinh tế và giỏ lương thực cơ bản. Do đó, chính phủ Panama đang thảo luận các biện pháp ứng phó cũng như các lựa chọn thay thế.

Trong khi đó, chính phủ Guatemala đang xem xét khoản trợ giá tạm thời trong hai tháng là 65 xu Mỹ/gallon (1gallon=3,78 lít) để hạn chế đà tăng của giá dầu diesel, vốn được sử dụng tới 98% trong chuỗi vận chuyển sản phẩm cơ bản. Kế hoạch này sẽ tiêu tốn 69 triệu USD và sẽ gây thêm áp lực lên tài chính công. Bên cạnh đó, Guatemala cũng đang cân nhắc nâng mức trợ cấp điện cho các hộ gia đình tiêu thụ 100 KW.

Còn tại Costa Rica, các “cú sốc” dầu mỏ toàn cầu đã làm tăng giá vé xe bus tại nước này. Chính phủ Costa Rica đã đồng ý giảm tạm thời 2,5 xu Mỹ/lít dầu diesel và xăng để hạn chế tối đa tác động kinh tế do khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra. Trong số các đề xuất mà Chính phủ Costa Rica đưa ra có việc giảm thuế thu nhập mà tài xế xe bus, nông dân, hãng vận tải và tài xế taxi trả cho mỗi lít nhiên liệu tiêu thụ. Giới chức nước này thừa nhận rằng đà leo dốc của giá dầu có thể ảnh hưởng đến rổ hàng hóa cơ bản.

Trước lo ngại giá nhiên liệu có thể vọt lên 5 USD/gallon, Chính phủ Honduras đang nghiên cứu đề xuất từ các nhà phân phối sản phẩm xăng dầu để xác định thời gian lưu hành phương tiện giao thông cho các khu vực khác nhau trong giờ cao điểm và theo biển số xe. Trong khi đó, Cộng hòa Dominica xem xét cho phép “đóng băng” giá các sản phẩm dẫn xuất từ dầu mỏ, loại bỏ thuế nhập khẩu thực phẩm và tăng trợ cấp khí đốt và năng lượng.

Trước những dấu hiệu kém khả quan của kinh tế thế giới, CEPAL đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm nay xuống mức 2,1%, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 6,2% vào năm ngoái.