Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nước siết luật “Facebook” để chống khủng bố

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau các vụ khủng bố mà nghi phạm được cho là tiếp nhận thông tin cực đoan qua mạng xã hội, châu Âu đã đưa ra các quy định siết chặt thông tin trực tuyến.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Anh, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tạo ra và chia sẻ hơn 44.000 đường dẫn (link) và đăng hơn 67.000 nội dung bao gồm kêu gọi thực hiện các cuộc tấn công, chế tạo bom trên mạng xã hội Twitter.
 Các nước đang siết luật "Facebook".
Trước thực trạng này, vừa qua, ngày 1/10, Bộ luật liên quan đến các phát ngôn cực đoan trên mạng xã hội, thường được báo chí địa phương gọi là "luật Facebook", đã chính thức có hiệu lực. Luật NetzDG của Đức có mục đích quản lý các mạng xã hội, bảo đảm các phát ngôn cực đoan hay kỳ thị sắc tộc, tôn giáo sẽ bị xóa đi trong thời gian 24 giờ hoặc 7 ngày tùy theo mức độ. Nếu không tuân thủ, số tiền phạt có thể lên tới 50 triệu Euro. Các cơ quan chức năng cho phép các DN có thêm thời gian chuẩn bị và sẽ chính thức áp dụng lệnh phạt hành chính vào ngày 1/1/2018.

Facebook, YouTube và Twitter là các "ông lớn" công nghệ đầu tiên chịu sự áp dụng của luật. Tuy nhiên, truyền thông Đức cho hay, ngoài Facebook, YouTube và Twitter, chính phủ Đức đang tìm cách áp dụng luật này rộng rãi hơn, bao gồm nội dung trên các nền tảng như Tumblr, Flickr... 

Theo luật này, các công ty mạng xã hội, bất kể quy mô phải trả lời các khiếu nại của người dùng trong vòng 48 giờ nếu không muốn bị phạt. Đức đã có luật phát ngôn, theo đó, các phát ngôn kích động bạo lực tôn giáo và chủng tộc sẽ bị coi là hành vi phạm tội. Nhưng Luật NetzDG được soạn thảo theo hướng cứng rắn hơn, dẫn một số điều khoản trong luật hình sự hiện tại của Đức dành cho mạng xã hội.
Đây không phải là động thái riêng lẻ nhằm chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố đang âm thầm "đầu độc" người dân châu Âu. Anh gần đây cũng khá tích cực chống chủ nghĩa cực đoan trực tuyến và yêu cầu gỡ bỏ nội dung cực đoan trong 2 giờ. Ngoài ra, Bộ Nội vụ Anh cũng tuyên bố, những người liên tục theo dõi các nội dung khủng bố trên mạng Internet có thể đối mặt với án tù 15 năm.
"Đang có khoảng trống trong luật liên quan đến các nội dung được chia sẻ trên Internet. Các nội dung có mục đích phạm tội ngày càng dễ tiếp cận trên Internet", Bộ trưởng nội vụ Anh Amber Rudd cho biết. 
Kế hoạch của London đưa ra trong bối cảnh chính quyền nước này đang quyết liệt chống khủng bố trên mạng. "Các gã khổng lồ công nghệ cần làm nhiều hơn, nhận lấy trách nhiệm đạo đức về việc các mạng xã hội đang bị lợi dụng" - bà Rudd nhấn mạnh.
Trước đó, “đại gia” công nghệ hàng đầu của Mỹ như Facebook, Google và trang mạng Twitter từng bị gia đình các nạn nhân trong vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida, Mỹ khởi kiện với cáo buộc cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho IS tự xưng lan truyền tư tưởng cực đoan dẫn tới khích động vụ thảm sát. Theo đó, gia đình 3 nạn nhân thiệt mạng cáo buộc Facebook, Google và Twitter “biết rõ song thiếu cẩn trọng” trong việc cho phép IS sử dụng mạng xã hội như một công cụ tuyên truyền, quyên góp tài chính và tuyển mộ thánh chiến.