KTĐT - Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công (MRC) Jeremy Bird nhận xét, các cộng đồng sống dựa vào những nguồn lợi tự nhiên trong lưu vực Sông Mê Công, với tôm cá cũng như các nguồn lợi thủy sản khác là nguồn cung cấp prôtêin chủ yếu, ít bị tác động bởi sự biến động của nền kinh tế thế giới bởi vì hầu hết đều dựa vào các hệ thống và nguồn lợi tự nhiên.
Hiện nay, nguồn cá của sông Mê Công mang lại nguồn thu khoảng 9.6 tỷ USD /năm cho các nước có sông này chảy qua. Đây được coi là khu vực có ngành đánh bắt tôm cá trong đất liền lớn nhất thế giới.
Thực trạng trên cho thấy hệ thống sông ngòi tự nhiên là thế mạnh của lưu vực, nhất là sự đa dạng sinh học và sản lượng của những vùng đất ngập nước, ao hồ và đồng bằng ngập nước có nhiều phù sa. Điều này cũng cho thấy hệ thống sinh thái tự nhiên đó có vai trò rất quan trọng trong việc giúp xóa giảm đói nghèo trong lưu vực ước có số dân vào khoảng 60 triệu người.
Tuy nhiên, trước những thách thức gắn liền với tình trạng biến đổi khí hậu và dân số gia tăng, các chương trình phát triển lưu vực trong tương lai cần được hoạch định một cách cẩn trọng theo cơ chế cùng có lợi và thông qua khung hợp tác vùng, nhất là đối với những dự án phát triển quy mô lớn về nguồn nước. Theo Giám đốc Jeremy Bird, cần có phương cách tiếp cận mang tính phân tích một cách tổng thể để xem xét, đánh giá các ích lợi, chi phí và tác động của các chương trình đó đối với hệ thống sông ngòi xuyên biên giới. Chẳng hạn kế hoạch xây nhà máy thủy điện sẽ mang lại những lợi ích về xã hội và kinh tế thế nào, khả năng lượng tôm cá sẽ bị giảm bởi việc thực hiện dự án có thể gây ra ra sao, liệu có thể dung hòa giữa mặt được đối với nhóm cộng đồng này và mất đối với nhóm dân cư kia hay không; vấn đề nước mặn tác động đến nông nghiệp ở vùng hạ lưu nếu nguồn nước ở vùng thượng lưu được khai thác sử dụng.
Bên cạnh thủy sản, chính phủ các nước hạ lưu vực sông Mê Công còn có thể hưởng lợi từ thủy điện do nguồn năng lượng tái tạo nhiều tiềm năng đó có khả năng mang về nguồn thu khá lớn, rất cần cho những chương trình phát triển xã hội. Trong lúc ngành nông nghiệp đem đến nguồn thu nhập trị giá hàng tỷ USD, sông Mê Công và các chi nhánh của sông giữ vai trò là huyết mạch giao thông quan trọng, giúp thúc đẩy thương mại trong khu vực.
Trong bối cảnh dòng chảy của sông Mê Công đang bị thay đổi lớn do hoạt động của con người ở thượng nguồn, Liên minh các tổ chức phi chính phủ có tên gọi “ Cứu dòng sông Mê Công” (Save Mekong River). Trong tuyên bố báo chí đưa ra ngày 19/10 ở Phnôm Pênh, cho biết, họ đã thu thập được 23.110 chữ ký ở các nước thành viên ASEAN, nơi sông này chảy qua, ủng hộ một kiến nghị gửi Hội nghị cấp cao ASEAN vào cuối tháng 10/2009 tại Hua Hin (Thái Lan), kêu gọi các nhà lãnh đạo khối này hãy hủy bỏ kế hoạch phát triển các đập thủy điện trên sông Mê Công vì việc làm đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tớii môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân sống ven sông.
Tuyên bố còn cho biết, 11 dự án thủy điện được dự kiến xây dựng trên sông Mê Công sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 70 % nguồn cá tự nhiên của con sông này, vì các công trình trên làm thay đổi mực nước và làm cản trở đường di cư của nhiều loài cá trong mùa sinh sản./.