Từ sáng ngày 18/4, lượng hành khách đổ bộ xuống các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Gia Lâm… đông nghịt. Sau quãng đường di chuyển dài, hầu hết hành khách đều nhanh chóng tìm phương tiện trở về nhà.
Lái xe buýt tuyến số 16 Giáp Bát - Mỹ Đình cho biết: “Hành khách đông hơn ngày thường nhưng chưa đến mức quá tải. Chúng tôi được lệnh sẽ tăng chuyến nếu cần nhưng theo tình hình hiện tại có lẽ không cần thiết”.
Sau quãng đường di chuyển dài, hầu hết hành khách tỏ ra mệt mỏi, nhanh chóng tìm phương tiện trở về nhà
|
Tuy nhiên, tình hình giao thông bên ngoài, quanh khu vực bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát khá căng thẳng. Các xe taxi, xe khách, xe buýt… nối nhau ra vào bến khiến đường Nguyễn Hoàng, bên sườn bến xe Mỹ Đình, rơi vào cảnh ùn ứ. Cả đoàn dài phương tiện phải rất chật vật mới tiến ra được đường Phạm Hùng.
Giám đốc bến xe Mỹ Đình Nguyễn Quốc Uy cho biết: “Theo kế hoạch chuẩn bị từ trước, 100% lực lượng nhân viên các bến xe đã được huy động ứng trực, hướng dẫn hành khách, giữ gìn trật tự, an ninh tại bến xe. Nhiều thời điểm, chúng tôi còn phải ra hỗ trợ lực lượng chức năng phân luồng, giải tỏa giao thông quanh khu vực bến”.
Trong khi đó, tình hình giao thông tại các cửa ngõ, các trục đường chính dẫn vào nội đô tuy có gia tăng áp lực nhưng không rơi vào cảnh ùn tắc. Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP, Trung tá Lê Văn Tiến nhận định: “Thường vào cuối các dịp nghỉ dài ngày, người dân chủ động thời gian đi lại để tránh ùn tắc nên tình hình giao thông khả quan hơn rất nhiều”.
Đường Giải Phóng đông đúc phương tiện nhưng nhịp lưu thông được giữ đều đặn, không xảy ra ùn tắc
|
Tại khu vực đường Giải Phóng, Kim Đồng, Nguyễn Hữu Thọ, Vành đai 3… lực lượng của Đội CSGT số 14 đã bố trí đội hình dày đặc, túc trực suốt ngày 18/4 để phân luồng, điều tiết nên nhịp lưu thông được giữ đều đặn, không xảy ra ùn tắc hay va chạm. Tương tự, trên các tuyến đường QL5, QL6, trục Nam Thăng Long - Phạm Văn Đồng… mật độ lưu thông tăng mạnh. Bên cạnh xe khách liên tỉnh còn có rất nhiều phương tiện cá nhân nhưng không xảy ra ùn tắc giao thông.
Đặc biệt, thời gian gần đây, sau khi hàng loạt công trình giao thông lớn như cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, hầm chui Trung Hòa, Thanh Xuân… được hoàn thành và đưa vào sử dụng tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục đường lớn đã giảm đáng kể.
Theo các lực lượng điều tiết giao thông, hiện tượng ùn tắc tại các trạm thu phí hay tai nạn giao thông xảy ra liên tục là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông lan vào tận nội thành Hà Nội. Gần đây nhất, chiều 15/4, 3 vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trên tuyến cao tốc này đã dẫn đến cảnh ùn tắc giao thông kéo dài gần 20km, buộc các phương tiện phải chôn chân suốt 3 giờ đồng trên đường vành đai 3.
Trung tá Lê Văn Tiến nói: “Ùn tắc giao thông lan ra từ các trạm thu phí hay do tai nạn giao thông là những trường hợp bất khả kháng, dù lực lượng CSGT có cố gắng đến mấy cũng khó lòng giải tỏa nhanh chóng được”.