Tuy nhiên, để khép bị can nhận tội, theo các luật sư, phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, các chứng cứ rõ ràng.
Dư luận phẫn nộ
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600 – 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Đặc biệt, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. Đây là điều đáng báo động về thực trạng tha hóa đạo đức, lối sống bệnh hoạn của những kẻ phạm tội khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Trong khi, các trẻ em là nạn nhân phải sống trong khủng hoảng tinh thần khiến người thân không khỏi xót xa.
Ngày 10/1, chị Nguyễn Thị L. (trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng con gái (SN 2008) đã đến Công an phường Thịnh Liệt trình báo hàng xóm là Cao Mạnh Hùng (SN 1983, trú tại phường Thịnh Liệt) có hành vi dâm ô với con gái chị vào ngày 8/1. Sau khi nhận được đơn trình báo, Công an quận Hoàng Mai đã tiến hành điều tra, xác minh. Chiều 16/3, Cơ quan CSĐT Công an TP đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Cao Mạnh Hùng về hành vi dâm ô đối với trẻ em.
Liên quan vụ án dâm ô hàng loạt trẻ em tại TP Vũng Tàu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có ý kiến gửi các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ. Ngày 15/3, Viện KSND Tối cao đã yêu cầu khởi tố bị can Nguyễn Khắc Thủy (SN 1940, ngụ tại chung cư Lakeside Vũng Tàu) về hành vi dâm ô trẻ em; đồng thời, yêu cầu rà soát toàn bộ án dâm ô trên phạm vi cả nước.
Ngày 21/2 vừa qua, Công ty Luật Gold Key đã gửi thư cho Chủ tịch nước về vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu. Theo đó, Công ty Luật Gold Key sau khi tiếp nhận vụ việc theo yêu cầu của người nhà nạn nhân, đã thu thập chứng cứ và phát hiện thêm một số trẻ em từng bị ông Thủy xâm hại.
Trong khi đó, một bà mẹ ở TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục kêu cứu đến các cơ quan chức năng về việc con gái mình bị xâm hại. Cùng với đó, chị đã cung cấp toàn bộ chứng cứ với cơ quan điều tra quận Thủ Đức.
Khó xử lý
Là luật sư từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho nhiều nạn nhân là trẻ em bị xâm hại, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, đặc trưng của các vụ án xâm hại tình dục trẻ em mà sau này các cơ quan tố tụng đưa ra xét xử vô cùng khó khăn. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường nhắm vào các cháu bé, những người yếu thế trong xã hội, thiếu sự quan tâm của gia đình. Đồng thời, dùng các thủ đoạn che đậy hành vi phạm tội, đưa các cháu bé, nạn nhân đến những nơi vắng vẻ, không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến hành vi phạm tội nên việc xử lý các đối tượng gặp khó khăn.
Từ thực tiễn xét xử, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, để xử lý hành vi phạm tội cần phải xem xét tất cả các mặt từ pháp luật đến đạo đức xã hội, hậu quả để lại. Trong khi, tội dâm ô trẻ em chủ yếu để lại hậu quả về tâm sinh lý đối với sự phát triển của trẻ sau này. Trên thực tế, để xử phạt tội dâm ô trẻ em hay bất cứ tội nào về xâm hại tình dục trẻ em là rất khó bởi đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, các chứng cứ. Chứng cứ ở đây là các chứng cứ vật chất để chứng minh phạm tội, còn lời khai của các đối tượng, cháu bé hay nhân chứng chỉ là căn cứ để xem xét. Các chứng cứ được thu thập theo trình tự tố tụng để xử lý đối tượng phải theo quy trình được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ ràng mới có căn cứ để xử lý đối tượng.
Trong quá trình hành nghề, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết đã gặp không ít vụ án buộc phải đình chỉ vì chứng cứ vật chất rất yếu. Có những vụ án, đối tượng gây án đã nhận tội, trẻ em là bị hại tuy nhiên không thu giữ được các chứng cứ vật chất tại hiện trường chứng minh sự xâm hại. Trong trường hợp sự xâm hại không để lại hậu quả, chưa giao cấu được thì rất khó xử lý. Trong khi, lời khai của bị hại hay bị can có thể thay đổi nên không thể lấy lời khai của bị can là lời duy nhất để chứng minh hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nếu bắt được quả tang hay thu giữ được các mẫu vật trên hiện trường như tóc, mẫu tinh dịch ở người bị hại, những chứng cứ vật chất quan trọng thì có thể khởi tố ngay.
Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội dâm ô trẻ em. Theo đó, người nào có hành vi dâm ô trẻ em thì bất kể là nam hay nữ cũng bị xử phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm nếu phạm tội nhiều lần, đối với nhiều trẻ em hoặc đối với trẻ mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh. Đối với tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 7 - 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Tôi vẫn thường cảnh báo, dạy thêm cho các học sinh cần phải đề phòng khi thấy biểu hiện lạ của những người khác giới. Cụ thể: Không đi vào nhà vệ sinh một mình khi vắng vẻ; Không cho người khác giới, kể cả người thân nghịch thân thể mình; Không gần gũi, thân thiết quá với những người chỉ quen biết sơ sơ; Nếu những người khác giới có biểu hiện lạ thì phải la to, bỏ chạy, báo cho bố mẹ… Tôi cho rằng, ở bậc tiểu học cần có một môn học dạy cho các em biết cách phòng trách về việc xâm hại tình dục, hoặc có thể là chuyên đề lồng trong việc dạy kỹ năng sống. Bà Bùi Thúy Ninh – giáo viên Trường Tiểu học Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm |