Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách các quốc gia “buông bỏ” để sống chung với Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xuất hiện những biến thể nguy hiểm và lây lan nhanh chóng buộc các quốc gia thay đổi chiến lược "sống chung" với Covid-19.

Anh đã loại bỏ gần như tất cả hạn chế vì Covid-19. Đức đang cho phép những người được tiêm phòng đi du lịch mà không cần kiểm dịch. Việc đeo khẩu trang ở ngoài trời hầu như không còn ở Italia. Các trung tâm mua sắm vẫn mở ở Singapore.
18 tháng sau khi Covid-19 lần đầu tiên bùng phát, các chính phủ ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang khuyến khích mọi người quay trở lại nhịp sống hàng ngày – hay đúng hơn là một nhịp sống bình thường mới, trong đó tàu điện ngầm, văn phòng, nhà hàng và sân bay một lần nữa chật kín. Càng ngày, câu thần chú càng giống nhau: “Chúng ta phải học cách sống chung với virus”.
Từ bỏ chiến lược “nói không với Covid-19”
Các nhà khoa học cảnh báo rằng những chiến lược thoát khỏi đại dịch một cách triệt để vẫn là quá sớm. Sự xuất hiện của nhiều biến thể dễ lây lan đồng nghĩa với việc ngay cả các quốc gia giàu có với lượng vaccine dồi dào như Mỹ, vẫn có khả năng bị tổn thương. Những nơi như Australia - với lệnh phong tỏa toàn quốc mới nhất kéo dài 4 tháng tới - xác định rằng chưa thể ngăn dịch bùng phát trong ngắn hạn.
 Người dân trên 70 tuổi ở Singapore xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 vào tháng 1/2021. Ảnh: Reuters
Vì vậy, giới chức trên toàn thế giới bắt đầu chấp nhận rằng việc phong tỏa và hạn chế đi lại là một phần của quá trình hồi phục. Mọi người được khuyến khích thay đổi quan điểm về đại dịch và tập trung vào việc tránh trở bệnh nguy kịch và tử vong thay vì tránh nhiễm bệnh. Các quốc gia có tham vọng “zero-Covid” đang phải tái xem xét.
Trong nhiều tháng, nhiều cư dân ở Singapore - quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á - đang miệt mài xem xét các chi tiết của từng trường hợp mắc Covid mới. Số ca nhiễm lên đến hai con số hiếm hoi trong một thời gian dài không có ca mắc mới, cùng với việc quay lại với phong tỏa biên giới đem lại cảm giác thất bại cho đảo quốc này. Qua đó có thể thấy ngay cả những biện pháp nghiêm ngặt nhất cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn việc lây nhiễm.
“Người dân của chúng tôi chiến đấu quá mệt mỏi”, một nhóm các bộ trưởng Singapore đã viết trong bài luận trên tờ Straits Times vào tháng 6. “Tất cả đều đang hỏi: Đại dịch sẽ kết thúc khi nào và như thế nào?”
Các quan chức ở Singapore đã công bố kế hoạch giảm dần những hạn chế và vạch ra con đường dẫn đến phía bên kia của đại dịch. Các kế hoạch bao gồm chuyển sang theo dõi số người ốm nặng, số ca cần chăm sóc đặc biệt hay cần đặt nội khí quản, thay vì chỉ thống kê số ca mắc. Những biện pháp này đang được đưa vào thử nghiệm.
Chuyển từ kiểm soát sang “đàn áp mềm”
Cho đến nay, 49% dân số Singapore đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và Israel (58%), đang làm hình mẫu để “sống chung với dịch”. Thay vì tập trung ngăn chặn số ca nhiễm mới gia tăng, Israel hướng nguồn lực vào các ca bệnh chuyển biến nặng, một chiến thuật mà các quan chức gọi là “đàn áp mềm”. Quốc gia này cũng đang đối mặt với số ca mắc mới tăng mạnh, lên tới hàng trăm trường hợp mỗi ngày. Do đó buộc phải yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại.
Trong khi đó, tại New Zealand, đa số người dân dường như chấp nhận khả năng sẽ sống với những hạn chế dài hạn hơn. Trong một cuộc khảo sát do chính phủ ủy quyền thực hiện gần đây trên hơn 1.800 người, 90% số người được hỏi cho biết họ không mong đợi cuộc sống trở lại bình thường kể cả khi đã được tiêm chủng đầy đủ, bởi ẩn số xung quanh virus vẫn còn và các biến thể vẫn gây lo ngại lớn.
Michael Baker - một nhà dịch tễ học tại Đại học Otago ở New Zealand cho rằng, việc các quốc gia mạnh tay mở cửa trở lại là đe dọa mạng sống của những người chưa được tiêm chủng.
 Anh là quốc gia đi đầu trong mở cửa các hạn chế do Covid-19. 
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về virus. Họ cho rằng Covid-19 không thể được coi như cúm, bởi mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều. Nhưng cũng chưa chắc chắn được thời gian vaccine có hiệu lực duy trì kháng thể và có tác dụng với biến thể hay không. Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học cùng đội ngũ tư vấn chính phủ Anh mới đây cho biết, tác dụng của vaccine chống lại Covid-19 rất có thể sẽ suy giảm theo thời gian, đồng nghĩa với việc các chiến dịch tiêm chủng sẽ cần lặp lại và tiếp diễn trong những năm tới.
Cho đến nay, phần lớn các nước đang phát triển vẫn đối diện với số ca mắc tăng nhanh, tạo cơ hội cho virus nhân rộng nhanh chóng, kéo theo nguy cơ xuất hiện các đột biến mới. Theo dự án Our World in Data, chỉ 1% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm liều vaccine đầu tiên.
Tại Mỹ, chính quyền tiểu bang và địa phương thực hiện phần lớn việc ra quyết định, các điều kiện ở mỗi nơi rất khác nhau. Các bang như California và New York có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng yêu cầu những người chưa tiêm phòng phải đeo khẩu trang trong không gian kín, trong khi các bang khác, như Alabama và Idaho, có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhưng không bắt buộc đeo khẩu trang. Một số trường học và đại học có kế hoạch yêu cầu sinh viên phải tiêm chủng, trong khi một số bang lại cấm các cơ sở công lập áp dụng những hạn chế tương tự.
Vaccine tiêm chủng và vaccine “ý thức”
Ở những nơi mà tiêm vaccine đã được phổ biến rộng rãi như châu Âu, các quốc gia đã đặt cược lớn vào chương trình tiêm chủng như một tấm vé thoát khỏi đại dịch, và là chìa khóa để giữ tỷ lệ nhập viện và tử vong ở mức thấp.
Tại Australia, trong tháng này, một số nhà lập pháp cho rằng, đất nước đã đến “ngã ba đường” Theo đó họ cần phải quyết định chọn giữa việc duy trì các hạn chế trong dài hạn hay học cách sống chung với Covid-19. Theo đó, ''xứ sở chuột túi'' có thể phải từ bỏ cách tiếp cận “Covid-zero” (hoàn toàn kiểm soát được Covid-19). Gladys Berejiklian - lãnh đạo bang New South Wales của Australia, ngay lập tức từ chối đề xuất này. “Không tiểu bang hay quốc gia nào trên hành tinh có thể sống với biến thể Delta khi tỷ lệ tiêm chủng của quá thấp. Chỉ khoảng 11% người dân Australia trên 16 tuổi được tiêm chủng đủ mũi phòng Covid-19”.
Những người dân Đức tiêm đủ vaccine trong vòng 6 tháng qua được phép vào các nhà hàng mà không cần chứng minh kết quả xét nghiệm âm tính. Họ được phép gặp gỡ riêng tư mà không có bất kỳ giới hạn nào và đi du lịch mà không bị cách ly 14 ngày.
Ở Italia, khẩu trang được yêu cầu khi người dân vào các cửa hàng hoặc không gian đông đúc, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục đeo chúng. Bà Marina Castro, sống ở Rome, cho biết: “Các con gái của tôi chê bai tôi - chúng nói rằng tôi đã được tiêm phòng và không cần đeo khẩu trang, nhưng tôi đã quen với điều đó.
Nước Anh, quốc gia đã tiêm phòng cho gần như tất cả những cư dân dễ bị tổn thương nhất, đã thực hiện cách tiếp cận quyết liệt nhất. Hôm 15/7 vừa qua, quốc gia này đã loại bỏ hầu như tất cả hạn chế do Covid-19 bất chấp sự gia tăng của các ca nhiễm biến thể Delta, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Với trạng thái “bình thường mới” này, chính phủ đang kêu gọi mọi người dân có "trách nhiệm cá nhân" để duy trì sự an toàn.
Sajid Javid - Bộ trưởng Y tế Anh - người có kết quả dương tính với Covid-19 hồi tháng trước, khẳng định người dân cần “học cách chung sống” với loại virus này. Dù các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Anh kỳ vọng một cách tiếp cận dần dần để mở cửa trở lại.