Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách ly 56 triệu dân - lo động thái chưa từng có của TQ phản tác dụng

Theo Zing.vn
Chia sẻ Zalo

Tình hình virus corona lây lan nhanh ở Trung Quốc đang khiến giới chuyên gia hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp Bắc Kinh đang áp dụng, bao gồm cả lệnh phong tỏa Hồ Bắc.

Các quan chức y tế tại Mỹ cho biết hiện chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc các bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng cũng có thể truyền bệnh.
Có thể dễ dàng gây ra "phản ứng dữ dội"
"Chúng tôi tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh không có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về việc bệnh nhân có thể truyền bệnh trước khi các triệu chứng xuất hiện. Chúng tôi vẫn đang tích cực điều tra khả năng này", tiến sĩ Nancy Messonnier thuộc Trung tâm về bệnh miễn dịch và bệnh hô hấp quốc gia nói trong cuộc họp báo.
Một số chuyên gia y tế quốc tế cho biết nguồn lực của Trung Quốc không nên tập trung vào việc phong tỏa nhiều thành phố.
Michael T. Osterholm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho rằng cách tiếp cận cuộc khủng hoảng của Trung Quốc có thể dễ dàng gây ra "phản ứng dữ dội".
Ông so sánh các biện pháp này với cách xử lý đại dịch Ebola năm 2014-2016 tại Tây Phi. Những biện pháp đó khiến người dân chết đói và nổi loạn, thậm chí lén lút trốn ra ngoài khu vực bị phong tỏa.
"Đây là một thảm họa", tiến sĩ Oster nói.
Đường phố Vũ Hán vắng vẻ vì lệnh cấm lưu thông. Ảnh: Reuters.
Tiến sĩ Tom Inglesby, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giám đốc của Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cũng bày tỏ lo ngại.
"Nếu tiếp tục phong tỏa ngày càng nhiều địa phương khác ở Trung Quốc, hoạt động thường ngày của người dân sẽ bị gián đoạn, hàng hóa, nhân lực, vật tư y tế, thực phẩm và thuốc men cũng sẽ cạn kiệt", ông nói.
"Ở cấp độ vĩ mô, tôi nghĩ biện pháp này dường như nó có khả năng gây hại hơn là có ích trong việc kiểm soát dịch", tiến sĩ Inglesby nhận định và cho rằng Trung Quốc nên tập trung vào các biện pháp truyền thống đã được áp dụng trong việc ngăn chặn những dịch bệnh khác, như xác định và theo dõi bệnh nhân cùng những người có tiếp xúc, đảm bảo họ được chăm sóc đầy đủ.
Trong khi đó, chính quyền địa phương dường như đang lúng túng trong việc đối phó với khủng hoảng, chưa kể đến các chính sách được áp dụng không nhất quán.
Đầu tiên, chính quyền thành phố Vũ Hán tuyên bố cấm ôtô lưu thông trên đường, chỉ có 6.000 taxi được điều động để giao thực phẩm và thuốc. Tuyên bố cho biết các tài xế sẽ được thông báo nếu họ bị cấm di chuyển. Tuy nhiên, đến ngày 26/1, không ai nhận được tin nhắn qua điện thoại.
Kết quả là người dân vẫn lái xe ra đường, trong khi cảnh sát không có động thái gì đáng kể. Tiến sĩ Inglesby nói rằng lệnh phong tỏa từng được áp dụng khi có dịch SARS khiến cư dân có thể trở nên sợ hãi và mất niềm tin vào giới chức trách.
Cho đến nay, tại Vũ Hán, người dân vẫn chấp nhận lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, thái độ này có thể thay đổi nếu giả sử giá thực phẩm tăng, New York Times nhận định.
Cả thế giới hoang mang với lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ
Một quan chức y tế hàng đầu của Trung Quốc hôm 26/1 đã cảnh báo virus corona chết người đang lây lan cực kỳ nhanh, khiến người dân trên khắp thế giới lo ngại về căn bệnh viêm phổi mới.
Điều này làm dấy lên câu hỏi về các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc, dù Bắc Kinh đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn tỉnh Hồ Bắc. Động thái chưa từng có làm ảnh hưởng đến 56 triệu dân.
Tuy nhiên, biện pháp này được cho là quá chậm trễ, thậm chí còn có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn vì khiến nguồn cung y tế ngày càng cạn kiệt, theo New York Times.
 Cảnh sát đứng trên tuyến đường bị cấm ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Ma Xiaowei, Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết những người bị nhiễm virus nhưng không có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài cũng có thể làm lây nhiễm sang người khác. Việc lây nhiễm từ những người không có triệu chứng như vậy sẽ khiến bệnh khó kiểm soát hơn, vì những người có vẻ khỏe mạnh vẫn đi du lịch và tương tác với người khác.
"Dịch bệnh đang bước vào giai đoạn nghiêm trọng và phức tạp hơn. Trong thời gian tới, tình hình này có thể vẫn tiếp diễn và số ca nhiễm bệnh có thể tăng lên", ông Ma cho biết trong cuộc họp báo hôm 26/1.
Các biện pháp Trung Quốc áp dụng hiện nay đối với tỉnh Hồ Bắc, bao gồm thủ phủ Vũ Hán với 11 triệu dân, được coi là "một thí nghiệm y tế với quy mô chưa từng có trước đây. Về mặt logic, biện pháp này rất tốt, và nó được thực hiện rất nhanh", bác sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt, cho biết.
Tuy nhiên, lệnh phong tỏa toàn tỉnh Hồ Bắc có thể ngăn chặn virus corona lây lan hay không là vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên gia. Một số người nói rằng việc phong tỏa sẽ có hiệu quả, ít nhất là trên lý thuyết.
Bác sĩ Thomas R. Frieden, cựu giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cho biết mọi biện pháp cách ly đều có thể giúp làm giảm sự lây lan của virus. "Nếu làm đúng cách, thì không phải là không thể. Biện pháp này sẽ có tác động tích cực".
Tuy nhiên, lệnh phong tỏa với quy mô như vậy là chưa từng có trên thế giới.
"Việc đóng cửa nhiều thành phố với quy mô và dân số như vậy là chưa từng có tiền lệ", tiến sĩ Howard Markel, giáo sư về lịch sử y học tại Đại học Michigan, nói.
Việc duy trì lệnh phong tỏa sẽ đặt ra những thách thức to lớn, bắt đầu từ việc cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và dịch vụ y tế cho hàng triệu người. Tiến sĩ Schaffner cho biết "rất khó để thực hiện một cách hiệu quả và cũng rất khó để đánh giá hiệu quả của biện pháp này".
Các chuyên gia khác cũng hoài nghi rằng lệnh giới nghiêm được áp dụng quá muộn và vẫn để lọt nhiều người dân từ vùng dịch. Khoảng 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa được ban bố, theo Thị trưởng thành phố Vũ Hán Zhou Xianwang.
 Nhân viên y tế tại bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Hàng loạt biện pháp được áp dụng
Tính đến ngày 27/1, virus corona, được cho có nguồn gốc từ khu chợ động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán, đã giết chết 80 người, tất cả đều ở Trung Quốc. Hơn 2.800 trường hợp khác được ghi nhận lây nhiễm.
Nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... đã xác nhận có bệnh nhân nhiễm bệnh.
Các nhà dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London ước tính rằng mỗi trường hợp nhiễm bệnh trung bình bị lây từ 1,5-3,5 người khác trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng. Đối với bệnh cúm theo mùa, con số này là 1,3.
Con số đó có thể giảm xuống khi chính quyền thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn sự lây lan. Nhưng nếu chỉ số vẫn giữ nguyên, số người nhiễm bệnh có thể tăng mạnh.
Thay vì ăn mừng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thành phố Vũ Hán những ngày này bị bao trùm bởi bầu không khí yên tĩnh kỳ lạ do lệnh cấm lưu thông trên hầu hết tuyến đường.
Thị trưởng thành phố Vũ Hán cho biết dựa trên số lượng bệnh nhân đang được theo dõi trong bệnh viện, có khả năng sẽ có thêm 1.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết áp dụng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn virus này. Đoàn làm việc do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán tới 2/2 để "giảm dòng người" di chuyển.
 Người dân đeo mặt nạ khi đi trên đường ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Getty.

Trước đó, Tô Châu, trung tâm công nghiệp lớn ở miền Đông Trung Quốc, tuyên bố các nhà máy chỉ nên hoạt động trở lại sau ngày 8/2.
Giới chức trách Trung Quốc ngày 26/1 cũng tuyên bố tạm cấm buôn bán động vật hoang dã tại các chợ, siêu thị và nhà hàng trên toàn quốc, cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử do sự bùng phát của virus corona.
Hong Kong, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch SARS vào năm 2003, đã ban bố lệnh cấm người dân từ tỉnh Hồ Bắc đến đặc khu. Lệnh cấm này còn áp dụng với những người đã đến Hồ Bắc trong vòng 14 ngày qua.