Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách nào cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội?

Thương Huế thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không khí Hà Nội là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây.

 TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Cùng đó là những lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe khi các chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở ngưỡng “xấu” có chiều hướng gia tăng. Xung quanh vấn đề này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Thưa TS. Hoàng Dương Tùng, căn cứ vào các chỉ số AQI từ các trạm quan trắc trong quý I/2019, chất lượng không khí (CLKK) của Hà Nội rõ ràng đang có những diễn biến bất thường. Là một người từng có nghiên cứu sâu về lĩnh vực môi trường, ông có thể lý giải tình trạng này?
- Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại đô thị lớn như Hà Nội thì ô nhiễm không khí do bụi nổi cộm nhất. Ô nhiễm do bụi được phản ánh thông qua bụi lơ lửng bao gồm bụi thô (TSP và PM10) và bụi mịn (PM2.5). Qua theo dõi nhiều năm, và căn cứ vào kết quả các trạm quan trắc , thì chỉ số AQI bụi PM2.5 đang có số ngày vượt quy chuẩn tăng lên, chưa có dấu hiệu cải thiện. Nhất là trong dịp cuối năm và đầu năm tính theo lịch âm, chỉ số AQI màu “vàng”, “xanh” rất ít.
Bụi do tự nhiên và bụi do con người tạo ra. Trong 3 tháng đầu năm 2019, TP Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao. Hoặc có những hôm trời có thể có hửng nắng, ngày có nhiệt độ khá cao, nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh.
 Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoặc là thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt (hiện tượng mà nhiệt độ lớp không khí gần mặt đất có nhiệt độ thấp, trong khi lớp không khí bên trên có nhiệt độ cao hơn (thông thường càng lên cao nhiệt độ không khí càng giảm), có thể tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn TP ở độ cao khá thấp. Sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến CLKK xấu đi. Tuy nhiên, nguyên nhân này cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà chuyên môn mới có thể trả lời xác đáng được.
Còn nguyên nhân ô nhiễm không khí do con người thì chúng ta có thể nhìn nhận thấy rõ nhất, đó là xuất phát từ những hoạt động của con người như sinh hoạt, sản xuất, xây dựng và giao thông. Ở Hà Nội, theo thống kê năm 2018, dân số khoảng 8 triệu người, có gần 6 triệu xe gắn máy, khoảng 600.000 ô tô, và sự bùng phát các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc tiêu thụ 40 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày; hay như việc sử dụng quá nhiều bếp than tổ ong… Những nguồn này đã gây ra nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu và làm suy giảm chất lượng không khí của TP.
So sánh giữa số liệu chỉ số AQI hai năm 2017 và 2018 cho thấy, CLKK năm 2018 của Hà Nội được cải thiện hơn. Điều này cũng ghi nhận sự nỗ lực của TP trong việc cải thiện môi trường. Thế nhưng, chỉ số AQI đầu năm 2019 lại cho thấy, CLKK ngày “xấu” tăng lên, nỗ lực xem ra vẫn không thấm vào đâu, thưa ông?
- Tôi cho rằng, thời gian qua Hà Nội đã nhận thức rõ tầm quan trọng và có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện vấn đề liên quan đến môi trường, đến CLKK. Chẳng hạn, việc lắp đặt và vận hành ổn định 10 trạm quan trắc tự động và theo cơ quan chức năng thì dự kiến đến năm 2020 sẽ đầu tư lắp đặt thêm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 12 trạm cảm biến và 2 xe quan trắc lưu động.
Hay như việc có nhiều sáng kiến, chương trình, dự án về môi trường được triển khai hiệu quả trên địa bàn TP Hà Nội như: Trồng hơn 1.000.000 cây xanh; chú trọng đầu tư hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ; thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng kế hoạch đánh giá phơi nhiễm do ô nhiễm không khí để đưa ra các khuyến cáo về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và sự phát triển của Hà Nội…
Rõ ràng, các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã có nhưng chưa triệt để nên chưa hiệu quả chưa như mong muốn.
Ông có thể nói rõ hơn, “chưa triệt để” ở đây là gì?
- Đó là các giải pháp thực hiện, mà cụ thể là các chính sách liên quan vẫn đang đặt chủ thể chịu tác động là người dân ở “ngoài cuộc”. Cần thay đổi phương pháp tiếp cận vấn đề môi trường “từ dưới lên” chứ không phải “từ trên xuống” như hiện tại. Nghĩa là cần phải huy động sự vào cuộc của người dân vào công tác quy hoạch, xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường. Người dân không chỉ phản ánh mà phải là chủ thể tích cực nhất, tham gia đồng hành cải thiện môi trường, vì lợi ích của chính bản thân và cộng đồng.
Hơn nữa, việc kiểm kê, kiểm soát phát thải cần phải chi tiết, rõ ràng hơn. Chúng ta đã đưa ra các chỉ số AQI hàng ngày, vậy cần phải có thông tin đánh giá các nguồn cơ bản tạo nên chỉ số AQI đó, ví như bao nhiêu phần trăm do phát thải từ giao thông, bao nhiêu phần trăm từ xây dựng… Từ sự định vị đó, gắn trách nhiệm đối với các cấp quản lý nhằm đưa ra chế tài, biện pháp phù hợp để giảm thiểu và ngăn chặn.
Hiện nay, cơ quan chuyên môn đưa ra, ô nhiễm giao thông chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của cả TP Hà Nội. Hà Nội đang có những giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân nhằm tránh ùn tắc và cải thiện chất lượng môi trường. Song, khi vẫn chưa hạn chế hay cấm triệt để được thì chúng ta cần phải có biện pháp kiểm soát lượng khí ô nhiễm phát thải từ phương tiện. Ví dụ như xe máy, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được nguồn khí phát thải từ phương tiện này. Chúng ta có thực hiện nhưng thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài nên xe quá niên hạn sử dụng, xe không đảm bảo chất lượng về khí thải vẫn tồn tại không kiểm soát.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Đài Loan (Trung Quốc) có nhiều xe máy, cách đây hơn 10 năm, tình trạng giao thông của họ cũng y như Hà Nội bây giờ. Hiện tại thì sao? Đài Loan không còn xảy ra tắc đường vì xe máy, lượng phát thải ô nhiễm từ nguồn này không còn là vấn đề nữa.

Họ đã làm gì? Họ thực hiện quản lý xe từ khi xuất xưởng đến quá trình lưu thông trên đường. Khi xe mới xuất xưởng, xe phải trải qua quy trình giám định của Trung tâm kiểm tra và cấp chứng nhận và Trung tâm kiểm tra an toàn xe. Khi xe có Giấy chứng nhận đạt chuẩn mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe và được phép lưu thông trên đường.

Trong quá trình sử dụng, người dân phải định kỳ đến các trung tâm bảo hành và bảo dưỡng xe. Tại đây, xe máy được kiểm tra nồng độ khí thải bằng máy đo nồng độ khí thải do cơ quan chức năng của chính phủ thẩm định và cấp phép. Xe sẽ phải sửa chữa cho đến khi đạt chuẩn mới được tiếp tục lưu thông. Xe nào cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.

Ngoài tiền phạt phải nộp tại các cửa hàng tiện dụng, nếu nộp chậm sẽ bị phạt lũy kế và chủ xe sẽ phạt rất nặng. Đồng thời, họ quy hoạch lại hệ thống giao thông; thiết lập một chương trình đào tạo lái xe an toàn bắt buộc và xử phạt tinh gọn và nghiêm khắc. Tôi cho rằng, Hà Nội không cần học đâu xa, học tập ngay cách quản lý xe máy của họ, tôi cho là hiệu quả." - TS. Hoàng Dương Tùng