Cách nhìn và cách làm mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là “Người trở về”, sau nó là “Lửa Thiện Nhân”… “Cơn sốt” phim Việt diễn ra liên hồi ở các rạp chiếu trong tháng 9 và tháng 10 này.

Rất nhiều người khấp khởi: “Khán giả Việt không còn quay lưng với phim Việt”, nhưng “mổ xẻ” vấn đề sẽ thấy ở đây là một cách nhìn và một cách làm mới của các đạo diễn điện ảnh Việt.

Không chỉ phim nhựa

Sự rộn ràng của “Người trở về” mới tạm ngưng hôm 9/10, song “cơn sốt” “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vẫn chưa dứt tại các phòng vé, nên “Lửa Thiện Nhân” đành khiêm tốn vào rạp Ngọc Khánh. Vậy nhưng “lửa” vẫn hừng hực khí thế, công chúng ào ạt đến rạp đợi chờ xem một câu chuyện về sự tử tế trong đời thường hôm nay.
Một cảnh trong phim ''Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh''.
Một cảnh trong phim ''Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh''.
 Ngay sau khi ra mắt (15/10), “Lửa Thiện Nhân” đã rơi vào tình trạng cháy vé. Có 6 suất chiếu bộ phim này từ thứ 2 đến thứ 6, 2 ngày cuối tuần tăng thêm 1 suất, song theo thông tin từ bộ phận bán vé của rạp Ngọc Khánh, rất nhiều người đã đặt lịch xem nhiều ngày sau. Điều đáng nói, đây là một bộ phim tài liệu do đạo diễn Đặng Hồng Giang thực hiện với câu chuyện về hành trình vất vả “tìm lại chính mình” của cậu bé mà lúc vừa sinh ra đã bị bỏ rơi và bị thú ăn mất một chân và bộ phận sinh dục. Nếu như “Người trở về” và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là phim điện ảnh, được dựng trên nền một câu chuyện văn học có hư cấu, lãng mạn và đẹp, thì “Lửa Thiện Nhân” là người thật việc thật, không hư cấu và “tô hồng”. Vậy nhưng phim vẫn “hút” người xem không kém gì phim nhựa – điều mà trước đây người ta vẫn xem là giấc mơ không có thật của điện ảnh Việt. Người ta xem phim, rồi truyền tai nhau về sự tử tế, sức lan tỏa của sự tử tế trong bộ phim ấy…

Thế mới thấy, không chỉ phim nhựa mới có thể gọi công chúng đến rạp, mà cả phim tài liệu nếu “bắt” đúng những gì khán giả cần vẫn có thể làm nên cơn sốt vé ngoài phòng chiếu. Điều này đã thấy nhiều ở các quốc gia trên thế giới, song thật hiếm hoi ở thị trường điện ảnh Việt.

Tại sao không?

 Đem cả 3 bộ phim đang được xem là “hiện tượng” của điện ảnh Việt này ra cân đo sẽ thấy con mắt vừa thức thời, vừa nhạy bén của các đạo diễn. Họ đã khai thác được những lợi thế từ nguyên bản câu chuyện phim để làm điểm tựa vững chắc cho tác phẩm của mình. Nếu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một ấn bản văn học thuộc hàng hay nhất của Nguyễn Nhật Ánh về tuổi học trò, thì nguyên tác “Người về bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh cũng là một trong những tiểu thuyết hay về thời hậu chiến. Còn câu chuyện của Thiện Nhân thì đã âm vang trong dư luận bao năm nay về sức sống phi thường của cậu bé có số phận khắc nghiệt; về những cuộc phẫu thuật mang tên chú lính chì… Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Đặng Hồng Giang thành thật, phim hay vì bản thân câu chuyện đã hay. Đây chính là lý do để phim được chọn chiếu khai mạc Liên hoan phim độc lập New York.

Thêm vào đó là những con mắt nhìn rất mới, rất trẻ dành cho một đề tài điện ảnh. Như đạo diễn Đặng Thái Huyền là thế hệ 8X, nhưng đã khai thác đề tài chiến tranh bằng con mắt và sự đồng cảm của người nữ trẻ: Khai thác đậm phần tâm lý, đi sâu vào thân phận con người sau cuộc chiến. Như chị nói: “Cũ hay mới không phụ thuộc bối cảnh hay chất liệu mà do cách kể câu chuyện phim, sử dụng ngôn ngữ điện ảnh. Trương Nghệ Mưu làm phim về cách mạng văn hóa, phim cũ nhưng mang hơi thở thời đại”. Rồi các đạo diễn cũng chọn lối lấy cảm tình người xem bằng những cảnh quay đẹp, những khuôn hình hút mắt. Victor Vũ đã được ghi nhận nhiều nhất ở điểm này với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Đặng Thái Huyền cũng vậy với những cảnh quay chân thực của làng quê Bắc Bộ ngày cũ, bên cạnh những cảnh quay với ý đồ lấy nước mắt người xem: Làng quê xơ xác, chỉ còn lại những người đàn bà hóa điên vì chồng chết trận… Và một điều không thể không nói tới là cách quảng bá cho bộ phim trước khi ra mắt công chúng bằng những trailer hấp dẫn, bằng con đường “xuất ngoại” trước khi về trình diện trong nước, bằng sức lan truyền không giới hạn trên mạng xã hội…

 Vậy là ở đây đã có một cách nhìn mới và một cách làm mới đối với các đề tài điện ảnh. Sức hút đã được chứng minh như vậy, chẳng cớ gì không là sự mở đường cho các nhà làm phim Việt. Nhiều người còn cho rằng, ngoài việc kích thích thị trường điện ảnh trong nước, những cảnh quay đẹp lộng lẫy kia còn là điểm tựa để phát triển du lịch, như người Hàn Quốc đã làm.