Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cái giá của ảo tưởng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời đại kỷ nguyên số, nơi mà mạng xã hội lên ngôi mạnh mẽ khi lướt Zalo, Facebook, truy cập Youtube, xem Tiktok… đang trở thành thói quen thường xuyên của phần lớn người dùng, thì một người vô danh bỗng chốc trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm không còn là điều mới lạ.

Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt và “hào quang” của thế giới ảo này cũng không ngoại lệ.

Trong khi phần lớn những người nổi tiếng bước ra từ thế giới ảo đã tận dụng điều này để mang lại các giá trị tốt hơn cho bản thân và xã hội thì cũng có không ít lại chọn đi theo hướng ngược lại. Với tâm thế “ngáo quyền lực” ảo, những người này đã tự cho mình quyền phán xét, đánh giá thậm chí là xúc phạm cá nhân hoặc tổ chức, thậm chí sẵn sàng bỏ qua các chuẩn mực đạo đức, thậm chí là cả không ít quy định pháp luật để chứng tỏ cái tôi của mình. Sự ảo tưởng này ngày càng có xu hướng bùng phát trên môi trường mạng Việt Nam như một “căn bệnh di căn” rất cần phải có “thuốc” đặc trị.

Mới đây nhất, tiêu biểu cho chứng “ngáo quyền lực” ảo này là trường hợp của tài khoản Facebook Vo Quoc, tài khoản chính chủ, có tick xanh của một đầu bếp có tên Võ Quốc. Vào ngày 21/9 người này đã có bài đăng trên trang cá nhân của mình với những lời lẽ nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng tới ngành báo chí nhưng không hề đưa ra minh chứng cụ thể nào để chứng minh.

Sau khi nhận được sự phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng cũng như các cơ quan báo chí, Võ Quốc đã xóa bài đăng trên. Tuy nhiên thay vì nhận lỗi, Facbooker này lại cho rằng tài khoản của mình bị hack và bản thân không đăng tải những nội dung nói trên. Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia an ninh mạng, việc Võ Quốc bị hack tài khoản Facebook và lấy lại được chỉ trong một thời gian ngắn là điều rất khó xảy ra.

Mặc dù liên tục chối tội nhưng tới ngày 2/10, sau buổi làm việc với Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, Võ Quốc đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì các phát ngôn đã đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân. Một trong những biện pháp tiếp theo để Võ Quốc khắc phục hậu quả là đăng tải lời xin lỗi công khai trên trang cá nhân của mình.

Tuy nhiên, thay vì thái độ thành khẩn, ăn năn, người này lại tiếp tục đổ lỗi cho người khác sử dụng tài khoản của mình để đăng các nội dung xúc phạm báo chí.Trước thái độ nói trên, thông tin từ Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đang xem xét kiến nghị với Bộ TT&TT đưa tài khoản Facebook Vo Quoc vào blacklist (danh sách đen) và có khuyến nghị các cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan, đơn vị Nhà nước và các DN cân nhắc hợp tác với chủ tài khoản.

Cần lưu ý, những trường hợp “ngáo quyền lực” trên mạng xã hội như Võ Quốc không phải là hiếm. Có thể kể đến như TikToker “Nờ Ô Nô”, không chỉ bị phạt tiền mà còn biến mất khỏi cộng đồng mạng khi có phát ngôn được cho là miệt thị người nghèo. Hay CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng đang vướng phải vòng lao lý vì xúc phạm người khác…

Đã tới lúc, mỗi người dùng mạng cần cẩn trọng với những phát ngôn của mình trên mạng xã hội. Đặc biệt khi đó là những lời nhận xét, đánh giá hay thậm chí là thể hiện quan điểm riêng theo chiều hướng tiêu cực về người khác, tổ chức hoặc một cộng đồng… Bởi nếu không có bằng chứng sát thực, mọi phát ngôn như vậy đều phải trả giá, nhiều lúc cái giá phải trả không chỉ là mức phạt từ các cơ quan thực thi pháp luật mà còn là sự lên án, quay lưng của xã hội.

Đặc biệt với người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng càng phải cẩn trọng hơn với những thông tin mình đưa ra trên mạng xã hội. Đừng vì “hảo quang” ảo mà tự cho mình cho quyền phán xét người khác theo cách vô căn cứ, bởi những bài viết trên mạng có thể là ảo nhưng hậu quả và những gì nhận được sẽ là án thật!