Kể từ ngày 24/2/2022, khoảng 5.587 thường dân đã thiệt mạng và 7.890 người khác bị thương, tuy nhiên con số thương vong thực sẽ cao hơn, theo Cao Ủy Liên Hợp quốc về Nhân quyền (OHCHR) cho biết hôm 22/8.
Cùng giai đoạn này, một phần ba dân số Ukraine - vốn ở mức hơn 41 triệu người - đã bị buộc phải tha hương, tạo ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất hiện nay trên thế giới, cơ quan Tị nạn Liên Hợp quốc cho biết.
Hiện có hơn 6,6 triệu người tị nạn từ Ukraine được ghi nhận trên khắp châu Âu, trong đó con số lớn nhất ở Ba Lan, Nga và Đức, theo dữ liệu của cơ quan này.
Tổn thất với Nga - Ukraine
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Ukraine dự kiến suy giảm 45% vào năm 2022. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết vào tháng 7 rằng tổng số tiền tái thiết sau chiến tranh sẽ tiêu tốn khoảng 750 tỷ USD và con số này có thể còn cao hơn.
Bên cạnh các chi phí quân sự, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên Moscow - cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Ngân hàng trung ương Nga hiện dự báo nền kinh tế trị giá 1,8 nghìn tỷ USD sẽ giảm 4% -6% vào năm 2022, thấp hơn mức giảm 8% -10% dự báo hồi tháng 4.
Tháng trước, Nga lần đầu tiên vỡ nợ trái phiếu nước ngoài kể từ sau cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917.
Giá cả toàn cầu
Chiến sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến giá phân bón, lúa mì, kim loại và năng lượng trên toàn cầu tăng mạnh, dẫn đến cả cuộc khủng hoảng lương thực và làn sóng lạm phát đang tràn qua nền kinh tế toàn cầu.
Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê-út và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên, lúa mì, phân đạm lớn nhất thế giới. Ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, giá dầu quốc tế đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ kỷ lục năm 2008.
Những nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm dầu của Nga đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn ở mức nghiêm trọng nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập vào những năm 1970.
Sau khi Nga cắt giảm dòng chảy qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tới Đức, giá khí đốt bán buôn đã tăng vọt ở châu Âu.
Theo Goldman Sachs, việc cắt đứt hoàn toàn sẽ đẩy khu vực đồng euro vào một cuộc suy thoái, với sự suy giảm mạnh ở cả Đức và Italia.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hiện dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với 6,1% của năm ngoái và thấp hơn đáng kể so với dự báo hồi tháng 4 là 3,6%, hồi tháng 1 là 4,4% và tháng 10 là 4,9%.
Theo một kịch bản thay thế "hợp lý" bao gồm việc cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu vào cuối năm và xuất khẩu dầu của Nga giảm thêm 30%, IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại xuống 2,6% vào năm 2022 và 2% vào năm 2023, với mức tăng trưởng gần như bằng 0 ở Châu Âu và Mỹ vào năm tới.
Chi phí vũ khí
Mỹ đã cung cấp khoảng 9,1 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ ngày 24/2, bao gồm các hệ thống phòng không ngòi nổ, hệ thống chống giáp Javelin, pháo 155mm và thiết bị bảo vệ hạt nhân, sinh học, phóng xạ, hóa học.
Nhà tài trợ lớn nhất tiếp theo cho Ukraine là Anh, nước đã hỗ trợ quân sự 2,3 tỷ bảng Anh (2,72 tỷ USD), trong khi Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ an ninh 2,5 tỷ euro (2,51 tỷ USD) cho Ukraine.